Thái độ ứng xử công chức thuế có vấn đề

Mỗi năm doanh nghiệp vẫn mất 1/3 thời gian chỉ để làm thủ tục và nộp thuế . Ảnh: Hồng Vĩnh
Mỗi năm doanh nghiệp vẫn mất 1/3 thời gian chỉ để làm thủ tục và nộp thuế . Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Chính phủ đã có riêng Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng tới nay việc thực hiện chưa được bao nhiêu, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Tại Hội thảo cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, sáng 4/6, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết: Dù đã nhiều cải thiện, nhưng mỗi năm DN vẫn mất 1/3 thời gian (khoảng 4 tháng) chỉ để làm thủ tục và nộp thuế.

Ngoài ra, theo bà Cúc, hiện DN là đối tượng thanh, kiểm tra của nhiều cơ quan, như thuế, thanh tra tài chính, thanh tra chính phủ, kiểm toán nhà nước… Đoàn nào cũng muốn vào kiểm tra DN. 

Dù không phủ nhận vai trò của thanh tra trong việc chấn chỉnh sai phạm, nhưng cần tránh thanh kiểm tra chồng chéo về nội dung, thời gian. 

Đặc biệt, các cơ quan thanh tra chưa sử dụng kết quả của nhau, ai cũng tự làm, gây khó khăn và mất thời gian của doanh nghiệp. “Thanh tra lại nặng vấn đề phải tìm ra sai phạm, tham nhũng, và nếu không tìm ra được là không thành công”, bà Cúc nói.

Người đứng đầu Hội tư vấn thuế cũng cho rằng, thái độ, ứng xử trong công chức thuế “có vấn đề”. Công chức là công bộc, hưởng lương ngân sách nhưng một bộ phận không nhỏ luôn muốn thể hiện quyền lực lãnh đạo với DN; kể từ bảo vệ, lái xe, nhân viên đóng dấu. 

Bà Cúc lấy ví dụ một DN Nhật Bản muốn mở văn phòng ở Việt Nam, dù đã thuê một đơn vị làm thủ tục chuyên nghiệp, vẫn phải đi lại nhiều lần, chưa kể phải “thế này, thế khác” mới xin được giấy phép.

Về lĩnh vực hải quan, ông Trần Phan Thành, Chủ tịch Hiệp hội các DN Logistics Việt Nam, đánh giá: Hệ thống văn bản của ngành hải quan nhiều, nhưng có văn bản chỉ “lưu hành nội bộ”.

Khi triển khai, DN mới biết. Lúc đó vướng mắc đã phát sinh, gây nhiều khó khăn. “Hầu hết DN logistics rơi vào tình trạng bị thủ tục hành chính hành, phải đi lại, chỉnh sửa nhiều lần”, ông Thành nói. Đặc biệt, theo ông Thành, nhân viên hải quan cần ứng xử với DN nghiêm túc hơn…

Theo xếp hạng Môi trường kinh doanh 2014 do Ngân hàng Thế giới (WB) cuối năm 2013, Việt Nam xếp ở vị trí 99/189 nền kinh tế toàn cầu (tụt một bậc so với năm 2011). 

Để cải thiện thứ hạng trên, ngày 18/3/2014, Chính phủ đã có riêng Nghị quyết 19 về những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên, sau gần 3 tháng ban hành, TS Nguyễn Đình Cung (Viện Trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương-CIEM) cho rằng, dù được hoan nghênh, nhưng việc triển khai nghị quyết vẫn rất yếu, chỉ 1/3 địa phương có kế hoạch hành động; các bộ triển khai chưa như mong muốn.

Để thực hiện hiệu quả, theo ông Cung, vai trò lớn nằm ở bộ trưởng các bộ. Đặc biệt, các bộ có liên quan (Bộ KH&ĐT, Tài chính, Công Thương, Tư pháp). “Sự vào cuộc của lãnh đạo bộ ngành liên quan là yếu tố quyết định tới thay đổi môi trường kinh doanh của Việt Nam”, ông Cung nói.

MỚI - NÓNG