Tết này tôi bán sức, ai mua

Tết này tôi bán sức, ai mua
TPO - Tết Nguyên Đán cận kề, nhưng nhiều lao động tự do vẫn bám trụ thủ đô, hy vọng bán sức lao động kiếm thêm chút tiền về quê ăn Tết. Thậm chí, có người sẵn sàng “bán Tết” kiếm tiền.

 > Trắng đêm trông quất canh đào
 > Dịch vụ lạ cho doanh nhân
 > Dịch vụ lạ dịp Tết

Cận Tết, những lao động tự do vẫn bám trụ Thủ đô, hy vọng kiếm thêm tiền về lo Tết cho gia đình. Ảnh: Trường Phong.
Cận Tết, những lao động tự do vẫn bám trụ Thủ đô, hy vọng kiếm thêm tiền về lo Tết cho gia đình. Ảnh: Trường Phong..

Tết này, mẹ không về

Là người vợ, người mẹ của một gia đình nhỏ ở Giao Thủy (Nam Định), mỗi khi thu xếp xong công việc đồng áng, tranh thủ thời gian nông nhàn, chị Phan Thị Hiền (37 tuổi) lại khăn gói lên Hà Nội, mỗi ngày đứng ở vỉa hè đường, hy vọng kiếm thêm thu nhập về nuôi con ăn học.

Lên Hà Nội dịp giáp Tết nguyên đán, chị Hiền tưởng sẽ kiếm thêm được một khoản tiền về lo Tết cho chồng con, nhưng tính trung bình, sau hai tuần, chị chưa kiếm được một triệu đồng.

“Ba ngày nay mới có người thuê lau nhà một buổi sáng, kiếm được 100 nghìn đồng, đã tiêu hết rồi. Nếu hôm nay không có việc, lại phải vay tiền anh em, bạn bè (những người cùng là lao động tự do) mà ăn qua bữa thôi” – Chị Hiền buồn rầu nói.

Với chiếc xe đạp cọc cạch, chị Hiền đi khắp phố, vào bất kỳ thời gian nào, làm bất cứ việc gì người ta thuê, từ lau nhà, nhặt rau, nấu cơm… đến những việc nặng nhọc như đội bê tông, phá dỡ nhà, đào móng… Thậm chí, theo chị Hiền, nhiều khi, giữa đêm khuya, rét buốt, chị vẫn làm thâu đêm, đến tận 5 giờ sáng. Chị Hiền nói, có đợt phải làm quần quật 18 ngày, đêm liên tiếp để kịp tiến độ giao kèo với chủ nhà, vì sợ nếu không hoàn thành sẽ không được trả tiền.

Chị Phan Thị Hiền. Ảnh: Trường Phong.
Chị Phan Thị Hiền. Ảnh: Trường Phong..

Cũng vì chưa có tiền về quê, nên chị Hiền quyết định sẽ làm giúp việc cho một gia đình từ ngày 28 đến mùng 10 Tết. Đó là gia đình giàu có ở Hà Nội, cần người trông nom người già, nấu ăn, giặt giũ, vệ sinh nhà cửa trong dịp Tết.

“Ngày bình thường đi làm chỉ được 100 nghìn đồng thôi, nhưng mấy ngày Tết sẽ được 300 nghìn. Tính ra, hơn chục ngày ở lại, cũng kiếm được vài triệu đồng” – Chị Hiền nói, đôi mắt vương chút buồn.

“Gọi điện về nhà, con hỏi bao giờ mẹ về, tôi chẳng biết nói gì, chỉ trả lời qua quýt rằng, nay mai mẹ sẽ về thôi” – Chị Hiền tâm sự. Chị Hiền bảo, sau mùng mười, chị sẽ về quê luôn vì lúc đó đã đến thời điểm gieo mạ, cấy lúa: “Coi như năm nay bán Tết cho người ta rồi. Chẳng biết ăn Tết tại nhà người lạ sẽ như thế nào nữa”.

Cũng như chị Hiền, năm nay, chị Nguyễn Thị Lê (35 tuổi, quê Thái Thụy, Thái Bình) cũng quyết định ở lại Hà Nội làm việc qua Tết. “Bình thường, tôi đứng ở gần cầu Lủ đợi việc, nhưng qua quen biết, có người nhờ đến chăm người già, dọn vệ sinh nhà cửa dịp Tết. Từ 28 đến mùng 5, mỗi ngày giá khoảng 300 – 500 nghìn đồng”.

“Biết các con sẽ mong nhưng vì miếng cơm, manh áo, tôi cố gắng ở lại vậy. Chỉ vài ngày thôi mà. Cũng không có gì đâu, nhớ thì gọi điện về nhà gặp con. Có tiền rồi sẽ mua được cho cháu ở nhà manh áo, cái quần mới đi học. Hy vọng chồng và gia đình sẽ giải thích cho các con hiểu” - Chị Lê tâm sự.

Bán sức

Những ngày sát Tết, hàng chục lao động ở Hà Nội chưa về quê, cố gắng ở lại thêm vài ba ngày nữa, hy vọng bán chút sức lực kiếm thêm chút tiền lo Tết cho gia đình.

“Chờ cả buổi sáng mới được một chủ cửa hàng thuê vận chuyển mấy bình nước. Hai chị em đi làm, vận chuyển được 10 bình, ba nghìn đồng một bình, tính ra, mỗi người chỉ được 15 nghìn đồng” – Chị Đinh Thị Oanh (42 tuổi, một lao động tự do) cho biết.

Chị Ngô Thị Thêu chạnh lòng khi thấy người khác lên đường về quê đón Tết. Ảnh: Trường Phong.
Chị Ngô Thị Thêu chạnh lòng khi thấy người khác lên đường về quê đón Tết. Ảnh: Trường Phong..

Kiếm được 15 nghìn như chị Oanh đã là may mắn, bởi cả hai ngày nay, chị Hiền và hàng chục người khác không kiểm nổi một đồng. “Bây giờ, các hộ gia đình không vận chuyển, xây dựng gì nữa rồi. Chỉ trông chờ vào các cơ quan, văn phòng thôi” – Chị Hiền thở dài.

Cùng cảnh ngộ, ông Phạm Văn Tuyển, 50 tuổi cũng “trắng tay” vài ngày nay do không có người thuê. “Không có học hành, trình độ thì đi bán sức lấy tiền vậy, nhưng mấy ngày nay không có việc. Tôi cố gắng chờ xem, kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó. Chắc một, hai ngày nữa, tôi mới về quê” – Ông Tuyển buồn nói.

Anh Phạm Văn Thành, một lao động khác, cho biết, sẵn sàng làm tất cả các việc, từ bốc vác, đào móng…kiếm tiền về lo Tết cho vợ, con. “Tôi tích cóp được khoảng một triệu mang về quê rồi. Chờ thêm một hai ngày nữa xem có kiếm thêm được chút nào không. 28 Tết, tôi sẽ bắt xe về quê. Có tiền hay không thì cũng phải về lo Tết cho con cái chứ” - Anh Thành cho biết.

Chị Đỗ Thị Oanh (thứ hai từ phải sang) chia tiền cho chị em đi làm cùng. Ảnh: Trường Phong.
Chị Đỗ Thị Oanh (thứ hai từ phải sang) chia tiền cho chị em đi làm cùng. Ảnh: Trường Phong..

Nhìn thấy người người xách đồ đạc, quần áo về quê ăn Tết, chị Nguyễn Thị Thêu (sinh năm 1980) chạy theo, đứng tựa vào cột điện, nhìn theo, mắt buồn buồn. Chị nói, lên Hà Nội được ba tuần thì hai tuần thất nghiệp, mấy ngày nay mới kiếm được hơn triệu đồng.

“29 Tết, tôi mới về quê. Cố gắng thêm một vài ngày vậy. Lúc về, có tiền thì sắm Tết, không có đành thôi” – Chị Thêu nói.

Trong lúc trao đổi với phóng viên, gần trưa 18 – 1 (25 Tết), chị Oanh cùng hai đồng nghiệp bất ngờ được trả tiền công làm thuê từ tháng trước. Số tiền không đáng bao nhiêu, nhưng ai cũng vui vẻ, hớn hở ra mặt vì có thêm chút ít trang trải chi phí trong những ngày sắp tới.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.