Tê giác cực kỳ nguy cấp chào đời trên đảo Java

Hai con tê giác một sừng mới sinh tại Công viên Quốc gia Ujung Kulon mang đến thêm hy vọng cứu quần thể loài từ bờ vực tuyệt chủng.
 Bẫy camera bắt gặp hai con tê giác một sừng mới sinh trên đảo Java. Video: Sharjah24 News.
Cặp tê giác con - gồm một con cái tên Helen và một con đực tên Luther - được quan sát thấy cùng với mẹ của chúng thông qua hệ thống 100 bẫy camera lắp đặt khắp công viên, các nhà chức trách cho biết trong một tuyên bố hôm 20/9.

Khu vực cực tây đảo Java của Indonesia, bao gồm Công viên Quốc gia Ujung Kulon rộng 5.100 ha, hiện là nơi sinh sống cuối cùng còn sót lại của tê giác một sừng. Sau nhiều năm suy giảm liên tiếp, sự xuất hiện của hai con non đã nâng tổng số cá thể loài lên 74 con.

"Những ca sinh mới này mang đến hy vọng lớn cho tương lai của tê giác một sừng, một trong những loài động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới", Wiratno, một quan chức cấp cao của Bộ Môi trường Indonesia nhấn mạnh.

Tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus), còn được gọi là tê giác Java hay tê giác Sudan, hiện được phân loại "cực kỳ nguy cấp". Chúng từng có số lượng lên tới hàng nghìn con và phân bố khắp Đông Nam Á, nhưng nạn săn bắn và mất môi trường sống đã đẩy quẩn thể loài đến sát bờ vực tuyệt chủng.

Chính phủ Indonesia đang tiến hành khảo sát các khu vực trên khắp đảo Java và Sumatra để tái định cư những con tê giác khỏi vùng nguy hiểm xung quanh Krakatau, một ngọn núi lửa đang hoạt động cách không xa Ujung Kulon.

Tê giác Java thuộc cùng một chi với tê giác Ấn Độ nhưng có kích thước nhỏ hơn. Tuy nhiên, với chiều dài từ 3,1 đến 3,2 m và cao 1,4 đến 1,7 m, chúng vẫn là động vật lớn nhất trên đảo Java. Chi tê giác một sừng này đặc trưng bởi lớp da có nếp gấp giống như áo giáp.
Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG