Ban nhạc rock Da Vàng thành lập đầu những năm 1990 với các thành viên Nguyễn Đạt – Hoàng Tuấn – Lê Quang và Lê Minh, đoạt giải nhì liên hoan pop rock toàn TPHCM năm 1992 và trở thành một trong những ban nhạc nổi tiếng, quan trọng nhất Việt Nam thời điểm đó. Tuy nhiên cho đến khi tay trống Trần Nhã tham gia ban nhạc thì album đầu tiên của Da Vàng có tên S.O.S mới được in ấn phát hành. Album “SOS” có 9/11 tác phẩm do ban nhạc sáng tác về các vấn đề xã hội.
Nghệ sĩ bass của Đoàn Nghệ thuật Quân đội, Văn Đồng nhận định: “Da Vàng là một trong những ban nhạc rock quy tụ nhiều thành viên giỏi chuyên môn và khát khao cái mới. Chính nhờ bệ phóng Da Vàng mà nhạc sĩ bass Lê Quang trở thành một nhạc sĩ với nhiều sáng tác được khán giả yêu mến”.
Thời gian trôi qua với nhiều đổi thay trong đời sống nhạc rock TPHCM. Nguyễn Đạt định cư ở Mỹ và gầy dựng lại Da Vàng tại Mỹ với các thành viên mới. Lê Quang tập trung sáng tác còn Trần Nhã chật vật với công việc chơi trống.
Giới chơi nhạc TPHCM, nhất là các bạn trẻ biết nhiều tới tay trống Trần Nhã với phòng tập nhạc mở gần kênh Nhiêu Lộc. Người viết bài này từng gặp Trần Nhã tại phòng tập nhỏ của anh. Trần Nhã nói: “Mình muốn góp phần phục hưng nhạc rock của TPHCM sau khi anh em kỳ cựu tan đàn sẻ nghé. Mở phòng tập này, Nhã luôn áp dụng giá thuê rẻ nhất, thời gian linh hoạt, thiết bị tập tốt. Hàng chục ban nhạc trẻ đang tập luyện chỗ Nhã”.
Khu phố yên tĩnh rạo rực hẳn lên bởi những âm thanh phát ra từ phòng tập nhạc rock. Sáng đến khuya, các bạn trẻ tầm tuổi đôi mươi, rất nhiều người là sinh viên tụ tập để chơi nhạc, sáng tác, thử nghiệm tác phẩm. Trần Nhã chỉ bảo cho họ những bí quyết nghề nghiệp, thỉnh thoảng tự tay đi mua cà phê mời các bạn.
Buổi tối Nhã thường đi sô, chơi trống ở các tụ điểm. Màu yêu thích của anh là màu đen, mái tóc dài và lối chơi trống mạnh mẽ. Anh nói: “Nhiều bạn bè rủ định cư ở nước ngoài nhưng cái số mình không xuất ngoại, cứ quanh quẩn bên con kênh này”. Anh có chiêu “kinh doanh” khá lạ, cứ ban nhạc nào tập thời gian dài hơn, anh lập tức giảm giá. Anh nói: “Ai yêu nghệ thuật hơn, người đó có phần thưởng”. Các ban nhạc chờ đến giờ tập, ngồi kín cả hành lang. Đôi khi họ tập đến khuya, hàng xóm gặp Nhã bảo: “Học trò của ông làm chúng tôi mất ngủ! Các cháu chơi máu lửa quá thầy Nhã ơi”. Có lẽ nếu không vì giấc ngủ của khu phố, phòng tập nhạc của Trần Nhã sẽ hoạt động xuyên đêm!
Còn nhớ lần gặp anh gần đây nhất ở quán cà phê Bụi, biết tin anh bị bệnh hiểm nghèo, điều trị hóa chất, mái tóc của một rocker chỉ còn lơ thơ, ấy vậy mà anh lại bảo: “Ổn rồi. Khỏe rồi, vừa chơi nhạc tối qua!”. Tôi gọi nghệ sĩ là bác xưng em, còn anh gọi tôi là anh xưng em. Chúng tôi cũng một lứa sinh 1971. Có lần anh bảo: “Thế hệ mình lắm ước mơ dở dang nhỉ. Quan trọng là sống với đam mê của mình”. Cách đây mấy tháng thấy Nhã rao bán bộ trống dù lý do là “để đổi trống mới hơn” nhưng bạn bè cảm thấy bất ổn.
Trần Nhã ra đi thật nhẹ nhàng ngày 1/12, chỉ bạn bè nghệ sĩ thân thiết hay tin. Sự ra đi của tay trống nổi tiếng của làng nhạc rock ở tuổi 47 quả là nỗi đau khó nói thành lời. Nghệ sĩ bass Lâm Minh Phương (ban nhạc UnlimiteD) chia sẻ: “Những hình ảnh và sự cống hiến của anh cho Rock Việt luôn khắc sâu trong em. Sau những khoảng thời gian ồn ào của rock, anh hãy thật sự nghỉ ngơi trong tĩnh lặng anh Nhã nhé!”.