Tây Ninh và Long An đưa ra kế hoạch đồng hành, hỗ trợ doanh nhân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau nhiều tháng chống dịch, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và Long An cam kết xây dựng một kế hoạch đồng hành cùng các doanh nhân.

Tây Ninh cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp

Sáng 14/10, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh hiện có hơn 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 172 doanh nghiệp lớn có nguồn lực mạnh, có năng lực cạnh tranh phát triển bền vững và gần 5.900 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 130 hợp tác xã, 1 Liên hiệp hợp tác xã và 108 Tổ hợp tác.

Tây Ninh và Long An đưa ra kế hoạch đồng hành, hỗ trợ doanh nhân ảnh 1

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.

Các doanh nghiệp hoạt động tại Tây Ninh đa dạng các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh từ khai khoáng, sản xuất công nghiệp, đầu tư phát triển chế biến sâu nông - lâm nghiệp - thủy sản góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn Tây Ninh dù gặp đại dịch COVID-19 vẫn đồng lòng vượt khó, đóng góp tích cực vào ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương. Tỷ trọng GRDP của doanh nghiệp (không tính doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài), bình quân hằng năm chiếm khoảng 32% tổng GRDP toàn tỉnh.

Theo ông Ngọc, dù đã khống chế được dịch bệnh và hướng tới mục tiêu khôi phục từng bước sản xuất kinh doanh, khôi phục lại các hoạt động xã hội trong điều kiện chuyển trạng thái sang thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, tuy nhiên, tình hình chung vẫn còn diễn biến phức tạp.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, địa phương đang cùng doanh nghiệp xây dựng môi trường an toàn để sản xuất. Từng bước nối lại tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh một cách toàn diện, đồng bộ. Tỉnh cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp doanh nhân để khôi phục lại sản xuất kinh doanh.

“Ngày mai 15/10, UBND tỉnh Tây Ninh cũng sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại với Doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, chúng tôi sẽ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, cũng như tháo gỡ các vướng mắc”, ông Ngọc nói.

Long An: Xem doanh nghiệp là đối tượng phục vụ

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, thời gian qua, dù còn rất nhiều khó khăn, đội ngũ doanh nhân tỉnh Long An không ngừng phát triển và lớn mạnh, góp phần đưa doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả, luôn chủ động, đột phá trên nhiều lĩnh vực, hòa nhập cùng với xu thế phát triển chung của xã hội.

Tây Ninh và Long An đưa ra kế hoạch đồng hành, hỗ trợ doanh nhân ảnh 2
Sản xuất tại Cty TNHH MTV SIGMA (Khu công nghiệp Đức Hòa III- Anh Hồng, huyện Đức Hòa, Long An. Ảnh: TTXVN.

Tính đến nay, Long An có gần 13.500 doanh nghiệp với khoảng 370.000 lao động trên nhiều lĩnh vực, hàng năm nộp ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Trong năm 2020, cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp vào ngân sách của tỉnh Long An là 12.000 tỷ đồng (chiếm 69% tổng thu ngân sách nhà nước) và trong 9 tháng năm nay, dù dịch bệnh nhưng cũng đóng góp vào ngân sách 9.500 tỷ đồng (chiếm 70% tổng thu ngân sách nhà nước).

Từ đầu năm đến nay, Long An có 986 doanh nghiệp thành lập mới, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 105 dự án trong nước với số vốn đăng ký 7.960 tỷ đồng, 41 dự án FDI, tổng vốn đăng ký là 3,2 tỷ USD.

“Long An quán triệt xuyên suốt trong tư tưởng và hành động, xem doanh nghiệp là nguồn lực, động lực phát triển, xem người dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Tỉnh Long An cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Long An phát biểu.

MỚI - NÓNG