Theo nội dung bài thi đoạt giải Nhì cuộc thi tuyển chọn phương án tổ chức và giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhóm tác giả của đơn vị đoạt giải là Liên danh Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) – Nikken Sekkei Civil Engineering LTD (NSC) - Nikken Sekkei Research đã đưa ra 7 chiến lược nhằm hoàn thiện phương án tổ chức, giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
7 nội dung này bao gồm: Phát triển mở rộng đô thị thống nhất với xây dựng mạng lưới giao thông; Giải quyết ùn tắc tại các nút giao thông và xây dựng bãi đỗ xe; Tăng cường cải tạo xe buýt/BRT nhằm tạo sự hấp dẫn cho giao thông công cộng, đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường sắt đô thị; Quản lý nhu cầu giao thông cá nhân và giao thông công cộng; Phát triển đô thị hấp dẫn theo mô hình Tod tại các điểm khớp nối giao thông; Xây dựng quy chế quản lý hoạt động giao thông đô thị; Lộ trình triển khai và nguồn lực thực hiện theo hướng tư nhân hóa. Sở GTVT Hà Nội vừa cho biết, các nội dung bài thi đang được giao cho các đơn vị liên quan nghiên cứu, lên phương án ứng dụng ở thực tế.
Qua tiếp cận toàn bộ bài thi và tìm hiểu các giải pháp được đưa ra, nhiều chuyên gia đô thị, quy hoạch cho rằng, có 2 nội dung nằm trong 7 chiến lược trên được xem là có tính chất mới, các nội dung còn lại hầu như đã được các quy hoạch và đồ án GTVT hiện có tại Hà Nội đã đề cập.
Cụ thể, tại nhóm Chiến lược 2 có nội dung “Giải quyết ùn tắc tại các nút giao thông và xây dựng bãi đỗ xe”, nhóm tác giả đã đưa ra phương án tổ chức giao thông nhằm giảm ùn tắc cho trên số tuyến phố, trục hướng tâm lớn.
Theo đó, tại nội dung “Giải pháp làn đường đảo chiều”, nhóm tác giả cho rằng, hiện trên một số trục đường chính hướng tâm Hà Nội đang có lưu lượng giao thông cao nhưng lưu lượng phương tiện đi lại không đồng đều giữa 2 chiều đường.
Ví như đường Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Xuân Thủy... thường đông đúc, ùn tắc một làn (hướng tâm) vào giờ cao điểm buổi sáng (7-9h) đối với chiều vào (nội thành); buổi chiều thường ùn tắc vào giờ cao điểm (16h30 - 18h30) đối với làn đường ra. Để giải quyết vấn đề này, liên danh nhóm tác giả đề xuất, tại các tuyến đường trên nên tổ chức giao thông bằng vạch sơn hoặc các hệ thống dải phân cách điện.
Theo phương án này, toàn bộ lòng đường được chia thành các làn xe (không sử dụng dải phân cách hoặc hàng rào sắt cố định ở giữa), căn cứ vào các khu giờ cao điểm, chiều nào có đông phương tiện lưu thông thì phân làn xe cho chiều đó nhiều hơn, chiều ngược lại ít phương tiện thì làn đường ít hơn.
Theo hình vẽ minh họa cho phương án này, nhóm tác giả đã dành 2/3 phần đường cho chiều có đông phương tiện vào giờ cao điểm. Lý giải cho đề xuất này, đại diện nhóm tác giả cho rằng, phương án trên vừa đảm bảo phương tiện lưu thoát nhanh, vừa linh động và đảm bảo được việc sử dụng hết công suất của làn đường.
Với nhóm Chiến lược 3 “Tăng cường cải tạo xe buýt/BRT”, ngoài các loại hình vận tải công cộng như xe buýt, BRT, ĐSĐT, Taxi, tại khu vực Hồ Tây, nhóm tác giả còn đề xuất xây dựng tuyến taxi nước trên mặt nước Hồ Tây.
Theo đánh giá của nhóm tác giả, giải pháp này sẽ góp phần phát triển du lịch và giải quyết một phần nhu cầu đi lại giữa bờ Bắc, Nam Hồ Tây.
Nhóm tác giả đề xuất xây dựng các bến taxi nước được bố trí tại các điểm quảng trường, công trình công cộng dịch vụ; khoảng cách giữa các bến khoảng 1,0 - 1,2km, kết nối hai điểm có khoảng cách trên 5 km nếu di chuyển bằng đường bộ.