Taxi độc quyền tại bệnh viện 'chặt chém' người dân

Bị taxi trong BV từ chối đi với đoạn đường ngắn, bệnh nhân đã ngồi xe đẩy đi ra cổng bắt taxi bên ngoài. Ảnh: Anh Trọng.
Bị taxi trong BV từ chối đi với đoạn đường ngắn, bệnh nhân đã ngồi xe đẩy đi ra cổng bắt taxi bên ngoài. Ảnh: Anh Trọng.
TP - Theo quy định, mặt bằng và hạ tầng bệnh viện (BV) là tài sản nhà nước, do vậy đơn vị quản lý muốn cho thuê, mượn làm dịch vụ phải được hình thành trên nguyên tắc đấu thầu công khai. Các hoạt động và giá dịch vụ tại BV cũng phải hướng đến cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều BV tại Hà Nội đang chấp thuận cho một số hãng taxi vào khai thác sảnh theo hình thức độc quyền. Hậu quả là người dân đến BV không có sự lựa chọn, đành phải dùng dịch vụ taxi giá cao, chất lượng phục vụ thấp.

Bài 1: Ép khách trả tiền theo giá thỏa thuận

Có đồng hồ tính cước và bảng niêm yết giá cước theo giá cạnh tranh, nhưng hành khách lên xe taxi đỗ bên trong các BV đều bị tài xế yêu cầu phải trả theo trọn gói hoặc giá thỏa thuận. Không đồng ý, nhiều hành khách lên xe đã bị tài xế “đuổi” xuống. Sự việc đang gây bất bình cho người dân đến thăm khám tại các BV tại Hà Nội.

“Cuốc” dài đi, “cuốc” ngắn... nghỉ

Sáng 18/10, do phải chuyển bố đẻ đang khám bệnh ở BV Việt Đức sang BV Tim Hà Nội (khoảng cách gần 1 km) để làm một số xét nghiệm, anh Nam (quê Phủ Lý, Hà Nam) ra sảnh gọi taxi. Tại sảnh BV Việt Đức phía phố Phủ Doãn, anh Nam thấy có nhiều taxi hãng Thủ đô dừng đỗ, tiến đến gọi mở cửa. Thay vì mở cửa đón khách, tài xế taxi đã xua tay không chở với lý do “cuốc ngắn không đi”. “Định gọi hãng taxi khác để đi nhưng thấy khu vực sảnh BV Việt Đức chỉ toàn taxi Thủ đô đỗ nên tôi đã phải dìu bố ra cổng bắt xe ôm cho kịp giờ làm thủ tục buổi sáng”, anh Nam phản ánh.

BV Việt Đức trưa 18/10, chúng tôi ghi nhận, tại khuôn viên bên trong cổng ra vào (phố Phủ Doãn) BV có bố trí cho xe taxi dừng đỗ, chờ khách. Tại đây chỉ  duy nhất taxi mang thương hiệu Thủ đô được dừng đỗ, các xe taxi của hãng khác chạy từ bên ngoài vào chỉ được trả khách rồi phải đi ngay, không được đỗ bắt khách. Dọc cổng vào BV chúng tôi còn thấy, từ ô che nắng cho bảo vệ đến biển chỉ dẫn hướng đi… đều mang logo, thương hiệu hãng taxi Thủ đô.

Trong vai hành khách muốn bắt xe taxi, tại sân BV Việt Đức trưa 18/10, tài xế taxi Thủ đô có số hiệu xe: 34xxx chỉ đồng ý chở chúng tôi sau khi thỏa thuận rằng đi cuốc dài trên 5km (tương ứng số tiền cước 50.000 đến 70.000 nghìn đồng). Trước khi lên xe số hiệu 34xxx, chúng tôi đã bị 2 tài xế khác từ chối với lý do, xe chỉ chở đi “cuốc” dài để bù các chi phí, “cuốc” ngắn... nghỉ.

Ghi nhận tình hình taxi hoạt động tại các BV lớn trên địa bàn Hà Nội, như: Phụ sản Trung ương, Đại học Y, Thanh Nhàn, Quân y 108, Quân y 103, Nhi Trung ương… chúng tôi đều thấy có tình trạng một số hãng taxi được độc quyền đón khách tại sảnh, sân BV. Sáng 20/10, trong khi taxi của hãng Thủ Đô Sao tự do ra vào cổng BV Quân y 103, bên trong BV còn được bố trí một khu đỗ rộng rãi cho khoảng 10 xe đứng bắt khách nhưng taxi của các hãng khác đến thì bị bảo vệ chặn ngay ở cổng với lý do “giờ cao điểm”. Do không được vào trong nên hàng chục taxi chở bệnh nhân đã phải mở cửa đỗ bệnh nhân bên ngoài, sau đó người nhà phải dìu đi vào. Tại sân BV Phụ sản Trung ương, taxi Mai Linh là hãng duy nhất được phép ra vào bên trong BV bắt khách. Sáng 20/10 cổng ra vào BV này thường xuyên ùn tắc do xe taxi Mai Linh dàn hàng bịt cả lối ra.

Hiện sảnh và một bên cổng ra vào BV Nhi Trung ương được bố trí để duy nhất taxi của hãng ABC dừng đỗ, đón khách, xe của các hãng khác chỉ được phép chở khách đến rồi phải quay ra ngay. Tại sảnh và sân bệnh viện Thanh Nhàn, taxi Thế kỷ mới được bố trí để dừng đỗ, bắt khách; Quân Y 108 là taxi Mai Linh, Đại học Y là taxi ABC… Cũng giống như BV Việt Đức, để lên được xe taxi ở các bệnh viện trên, hành khách và người đến khám, chữa bệnh đều phải chấp nhận trả theo giá thỏa thuận hoặc đi theo “cuốc” dài. Nhiều hành khách chỉ đi có 1,2 km, nhưng để có taxi đi ngay trong sân BV đành trả cho tài xế với giá tiền bằng đi 5 đến 7km.

Taxi độc quyền tại bệnh viện 'chặt chém' người dân ảnh 1

Taxi Thành Lợi dàn hàng ngang, hàng dọc “quây” cổng BV, gây ùn tắc trên đường Giải Phóng. Ảnh: Nhóm PV.

Cổng BV cũng bị taxi “độc quyền” lập bến

Ngoài sự độc quyền trong sân và sảnh BV, cổng ra vào các bệnh viện lớn tại Hà Nội cũng đang bị taxi “quây” kín, có hãng còn cử người cầm bộ đàm đứng trên đường điều tiết taxi bắt khách trước cổng BV. Tại phố Phủ Doãn, đoạn qua BV Việt Đức, không chỉ là đơn vị duy nhất được đỗ bắt khách bên trong, cổng BV và phố Phủ Doãn đoạn trước BV cũng được các xe taxi hãng Thủ đô phủ dày đặc. Sáng 18/10, phố Phủ Doãn rộng 2 làn xe, nhưng các taxi Thủ đô xếp thành 2 hàng dài đứng bắt khách. Sự việc này đã làm giao thông ùn tắc kéo dài.

Tại phố Tôn Thất Tùng, đoạn trước BV Đại học Y đang tập trung nhiều taxi của hãng Thành Lợi, ABC. Ghi nhận tại đây chúng tôi thấy rằng, taxi các hãng khác đến đây đỗ khách rồi vội vàng đi ngay nhưng taxi hãng Thành Lợi, ABC thì nối đuôi bắt, trả khách. Ngoài lộn xộn, sự việc này còn làm đường Tôn Thất Tùng đoạn qua BV Đại học Y thường xuyên ùn tắc. Chiều ngày 12/10, chúng tôi còn ghi nhận trên đường Tôn Thất Tùng có CSGT và Công an phường làm việc, thậm chí công an phường tại đây còn đi trên xe tải biển xanh: 29A-009.25 lượn qua lại nhưng tuyệt nhiên không xử lý các taxi của Thành Lợi, ABC đỗ trên đường.

“Việc các bệnh viện bố trí sảnh để taxi, ô tô gia đình vào đưa đón người nhà, bệnh nhân là yêu cầu bắt buộc. Không phải trường hợp đau ốm nào cũng có thể gọi được xe cấp cứu, do vậy đa phần người dân vẫn dùng xe taxi hoặc ô tô gia đình để chở người nhà đến bệnh viện. Từ thực tế này, rất cần các BV bố trí khu vực dừng đỗ xe chung để ô tô của người dân, xe dịch vụ được vào đưa đón bệnh nhân”. 

 Ông Bùi Danh Liên

Tại đường Giải Phóng, đoạn qua BV Bạch Mai, tìm hiểu của chúng tôi được biết, tuy là khu vực cấm nhưng cổng ra vào và đường Giải Phóng thường xuyên có xe của khoảng 10 hãng taxi dừng đỗ, hoạt động trên đường. Vào giờ cao điểm tại đây có hàng trăm xe taxi vây quanh cổng BV, bịt toàn bộ đường Giải Phóng. Đây là nguyên nhân khiến tuyến đường này thường xuyên tắc cứng thời gian qua.

Tại khu vực này có xe của các hãng: Thành Lợi, Thủ đô sao, Xuân Thành, Vạn Xuân, Sông Hồng, Vic, Open… Với các xe taxi Thành Lợi, mặc dù là khu vực cấm dừng đỗ, nhưng đường Giải Phóng đoạn qua BV Bạch Mai luôn có từ 3 đến 5 xe hãng này xếp hàng chờ khách đoạn từ gầm cầu đi bộ đến cổng BV. Hoạt động của các xe taxi Thành Lợi ở đây còn nằm dưới sự điều hành của một số người đứng cầm bộ đàm chỉ huy. Tại một số thời điểm tắc đường, cũng có CSGT đến xử lý, tuy nhiên CSGT chỉ xử lý những xe ô tô không mào (xe gia đình) còn bỏ qua taxi của các hãng trên.

Trước đó, trong các ngày 11 và 25/8, báo Tiền Phong đã có bài phản ánh với nội dung “Taxi lập bến trên đường, cảnh sát làm ngơ?”. Sau khi bài đăng, Đội CSGT số 4 (quản lý tuyến đường Giải Phóng) có đề nghị phóng viên cung cấp cho hình ảnh, clip ghi nhận các xe taxi vi phạm đoạn trước BV Bạch Mai để xác minh, xử lý và sẽ thông tin kết quả. Tuy nhiên, từ đó đến nay (đã 2 tháng), chúng tôi vẫn chưa thấy Đội CSGT số 4 phản hồi lại, trong khi đó thực tế taxi lập bến “quây” cổng bệnh viện và bịt đường Giải Phóng vẫn diễn ra.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, mặt bằng và sảnh các bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố đều là đất và tải sản Nhà nước, do vậy tất cả các dịch vụ từ khám chữa bệnh đến đi lại tại đây phải được hình thành trên sự minh bạch, cạnh tranh và đặc biệt là phải đặt lợi ích người dân lên hàng đầu. “Việc các bệnh viện bố trí sảnh để taxi, ô tô gia đình vào đưa đón người nhà, bệnh nhân là yêu cầu bắt buộc. Không phải trường hợp đau ốm nào cũng có thể gọi được xe cấp cứu, do vậy đa phần người dân vẫn dùng xe taxi hoặc ô tô gia đình để chở người nhà đến bệnh viện. Từ thực tế này, rất cần các BV bố trí khu vực dừng đỗ xe chung để ô tô của người dân, xe dịch vụ được vào đưa đón bệnh nhân. Trong trường hợp phát triển các dịch vụ vận tải, bố trí được khu vực đỗ xe riêng cho taxi, xe cấp cứu bên ngoài thì phải có thông báo rộng rãi, sau đó tổ chức đấu thầu công khai và lựa chọn ít nhất từ 2 đến 3 đơn vị cùng khai thác để người dân có sự lựa chọn. Do là đơn vị của nhà nước nên mọi dịch vụ trong các BV nêu trên, nhiệm vụ đầu tiên là phải hướng đến lợi ích nhân dân, lợi ích cộng đồng”, ông Liên nói.

 (Còn nữa)

MỚI - NÓNG