Sự suy giảm gần đây trong quan hệ giữa Nga và phương Tây đã đưa chiến tranh tàu chiến trở lại bàn làm việc của các nhà hoạch định quân sự.
Sau hơn một thập kỷ hỗ trợ các cuộc chiến tranh trên bộ ở Trung Đông và Trung Á, Hải quân Mỹ đang tái đầu tư vào nhiệm vụ cốt lõi là đánh chìm tàu. Hải quân Mỹ đang mở rộng khả năng này nhưng đồng thời giới thiệu một lớp tàu mới, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Zumwalt, được thiết kế chủ yếu để hỗ trợ chiến tranh trên bộ.
Trong khi đó Nga vẫn đang cố gắng tận dụng các tàu tuần dương lớp Kirov có từ thời Liên Xô. Các tàu mặt nước khổng lồ, ba mươi năm tuổi nhưng vẫn có vũ khí hiệu quả, và vẫn có khả năng thực hiện nhiệm vụ chính của mình: tấn công các tàu rất lớn của địch, đặc biệt là tàu sân bay.
Lớp Zumwalt là lớp tàu khu trục tên lửa dẫn đường mới nhất của Hải quân Mỹ. Các tàu này là những chiếc tàu tàng hình thực sự đầu tiên trong Hải quân Mỹ, với các góc cạnh được thiết kế để giảm tín hiệu radar.
Đối thủ của Zumwalt, tuần dương hạm Kirov, là một di tích từ thời đại khác. Được đóng vào cuối những năm 1980 để nhanh chóng vô hiệu hóa các tàu sân bay Mỹ, các tàu này được thiết kế cho nhiệm vụ tấn công. Đồng thời, chúng có khả năng phòng không ghê gớm.
Kirov là tàu chiến lớn nhất được chế tạo thời hậu thế chiến. Mỗi chiếc có chiều dài dài 252m gần bằng tàu Bismarck và Iowa của Thế chiến II, nhưng chỉ nặng 24.000 tấn. Điều này phần lớn là do chúng sử dụng năng lượng hạt nhân cho động cơ đẩy thay vì nồi hơi và turbine, mang lại cho Kirov và các tàu cùng lớp tốc độ tối đa lên tới 32 hải lý.
Một lý do khác: Kirov đã hy sinh súng hạng nặng (như trên các pháo hạm thời Thế chiến II) để lấy tên lửa. Đối với vũ khí tấn công, Kirov có hai mươi tên lửa chống hạm P-700 Granit khổng lồ. Mỗi tên lửa Granit dài khoảng 10m và nặng 6,8 tấn, khiến chúng thực sự là máy bay không người lái. Granit có tầm bắn xa 500km ở tốc độ Mach 2.5 và một đầu đạn hạt nhân nặng 750kg.
Trong một trận chiến giữa hai con tàu, cái nào sẽ thắng thế? Giả sử đặt hai chiếc tàu trên biển ở phạm vi khoảng cách tối đa xét theo vũ khí chống hạm của cả hai tàu thì đó là 500km, tầm bắn của tên lửa Granit. Giả sử các tàu đều không biết vị trí của tàu kia. Kirov có hệ thống radar vệ tinh Legenda nhưng Zumwalt là tàu khu trục tàng hình với tín hiệu radar của một chiếc thuyền đánh cá nhỏ.
Cả hai con tàu điên cuồng tìm kiếm chiếc kia, bắt đầu từ những chiếc trực thăng quét qua đại dương phía bên kia đường chân trời. Trong tình huống này, tàu khu trục tàng hình có lợi thế khác biệt so với tàu tuần dương to lớn nhưng không tàng hình. Máy bay trực thăng của tàu Zumwalt sẽ phát hiện Kirov trước tiên, gửi dữ liệu vị trí trở lại cho tàu mẹ. Kirov phát hiện các máy bay trực thăng nhưng không biết vị trí thực tế của Zumwalt.
Nếu tình trạng tàng hình của Zumwalt có thể giữ vững, về mặt lý thuyết, nó có thể áp sát trong phạm vi tầm bắn của Kirov. Mặt khác, tàu tuần dương của Nga sẽ muốn lùi lại và tấn công Zumwalt từ xa. Thật không may cho phía Nga, mọi hệ thống của Kirov, từ nhắm mục tiêu vệ tinh đến các hệ thống dẫn đường của tên lửa Granit đều thông qua radar. Nhưng Kirov có thể phóng tên lửa theo hướng nghi ngờ có tàu Zumwalt, các radar tích cực của Granit vẫn sẽ có thể thu được tín hiệu nhỏ của tàu khu trục Mỹ.
Tuy nhiên, ngay cả khi Granit có thể khóa mục tiêu vào Zumwalt, thì tàu này này có hệ thống phòng không để đối phó. Được trang bị ít nhất 18 tên lửa phòng không tầm trung SM-2 và vài chục tên lửa phòng không tầm ngắn Evolve Sea Sparrow, có lẽ Zumwalt có thể hạ gục hầu hết các tên lửa Granit.
Zumwalt có thể chiến đấu với súng của nó? Còn tùy. Ở tầm bắn tối đa 133km, đạn pháo của nó sẽ mất 161,89 giây để tiếp cận mục tiêu. Ngay cả khi Zumwalt biết chính xác Kirov đang ở đâu, đạn pháo sẽ di chuyển quá chậm để bắn trúng tàu chiến đang di chuyển.
Kết quả cuối cùng của kịch bản này: hòa. Không bên nào có thể nhắm mục tiêu chính xác bên kia.