Tàu sân bay Trung Quốc đi vào biển Đông

Liêu Ninh - tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: PLan.
Liêu Ninh - tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: PLan.
TP - Nhóm tàu chiến do tàu sân bay Trung Quốc dẫn đầu vừa đi vào biển Đông sau khi vượt qua phía nam đảo Đài Loan. Trong khi đó, Mỹ thông qua đạo luật quốc phòng đề cập khả năng trao đổi quân sự cấp cao với Đài Loan.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan hôm qua thông báo, tàu sân bay Liêu Ninh được 5 tàu chiến hộ tống đã đi qua nhóm đảo Pratas mà Đài Loan đang kiểm soát và hướng xuống phía tây nam. Trước đó, nhóm tàu này đi qua kênh Bashi nằm giữa Đài Loan và Philippines. “Thận trọng và linh hoạt luôn là phương pháp duy trì an ninh trên không”, phát ngôn viên cơ quan phòng vệ Đài Loan Chen Chung-chi nói. Nhưng ông Chen từ chối trả lời câu hỏi chính quyền đảo này có cử máy bay chiến đấu hay tàu ngầm ra theo dõi hay không.

Ông Chen nói rằng, Đài Loan đang tiếp tục “giám sát và nắm tình hình”. Ngày 26/12, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thông báo, Nhật Bản cũng đang theo dõi sát sao việc tàu sân bay Trung Quốc tập trận trong khu vực, NHK đưa tin. “Đây là lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản xác nhận tàu sân bay Trung Quốc tiến vào Thái  Bình Dương. Chúng tôi đề cao cảnh giác vì điều này cho thấy Hải quân Trung Quốc có tiềm lực mạnh hơn trước”, ông Suga nói.

Nhà làm luật Đài Loan Johny Chiang nói rằng, việc Trung Quốc cử tàu Liêu Ninh đi tập trận là nhằm gửi tín hiệu đến Mỹ rằng, họ đã phá đứt “chuỗi đảo thứ nhất”, bao gồm quần đảo Ryukyu của Nhật Bản và đảo Đài Loan. Tại Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng, mọi người không nên nói quá nhiều về tàu sân bay Liêu Ninh vì nó di chuyển đúng luật. “Tàu Liêu Ninh của chúng tôi cần được hưởng các quyền phù hợp với tự do hàng hải và tự do bay mà luật quốc tế quy định, và chúng tôi hy vọng tất cả các bên tôn trọng quyền này của Trung Quốc”, bà Hoa nói trong cuộc họp báo thường kỳ.

Theo bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, đợt tập trận này cho thấy tàu sân bay Liêu Ninh đang nâng cao năng lực chiến đấu và nên đi ra các vùng biển xa hơn. “Hạm đội Trung Quốc sớm muộn cũng sẽ đến Đông Thái Bình Dương. Khi đội tàu sân bay Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi nước Mỹ một ngày nào đó, nó sẽ khiến người ta nghĩ nhiều về các quy tắc hàng hải”, bài xã luận viết.

Trung Quốc phản ứng với Mỹ

Trung Quốc vừa lên tiếng phản đối Mỹ về việc Tổng thống Barack Obama ký thông qua dự luật chính sách quốc phòng Mỹ, trong đó bao gồm kế hoạch triển khai các hoạt động trao đổi quân sự cấp cao với Đài Loan. Một phần Đạo luật ủy quyền quốc phòng trị giá 618,7 tỷ USD thể hiện mong muốn của Quốc hội Mỹ rằng, Lầu Năm Góc sẽ thực hiện một chương trình trao đổi quân sự cấp cao giữa Mỹ và Đài Loan. Trước đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có một số động thái khiến Trung Quốc tức giận, như điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, phát biểu ngụ ý có thể vứt bỏ chính sách “Một Trung Quốc”…

Ngày 25/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, một phần nội dung đạo luật ủy quyền quốc phòng của Mỹ can thiệp công việc nội bộ của Trung Quốc và nước này không chấp nhận. “Chúng tôi thúc giục phía Mỹ tuân thủ lời hứa với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, ngừng các liên lạc quân sự Mỹ - Đài Loan và ngừng bán vũ khí cho Đài Loan, để tránh làm tổn hại quan hệ Trung - Mỹ và hòa bình, ổn định trên eo biển Đài Loan”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.

Trung Quốc thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới

Hôm qua, truyền thông Trung Quốc đưa tin, nước này vừa thử nghiệm thế hệ máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới, trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực chấm dứt sự độc quyền của phương Tây trong sản xuất các máy bay chiến đấu thế hệ 5. Phiên bản J-31, nay được đặt tên lại là FC-31 Gyrfalcon, cất cánh lần đầu tiên vào cuối tuần qua, China Daily đưa tin. Loại máy bay 2 động cơ thế hệ 5 này được coi là đối thủ của F-35 do Mỹ sản xuất. FC-31 có năng lực tàng hình tốt hơn, chở nặng hơn và có hệ thống điện tân tiến hơn phiên bản được thử nghiệm vào tháng 11/2012, China Daily dẫn lời chuyên gia hàng không Trung Quốc Wu Peixint. “Các thay đổi về khung máy bay, cánh và đuôi thẳng đứng giúp máy bay nhẹ hơn, gọn hơn và dễ điều khiển hơn”, ông Wu nói. FC-31 Gyrfalcon do Cty Thẩm Dương thuộc Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc sản xuất, dự kiến được bán với giá khoảng 70 triệu USD.

MỚI - NÓNG