Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều dư luận về tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm 2023 sẽ tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, như đất đai, dự án BOT, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, bổ nhiệm cán bộ…

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội thông tin về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”

Chính phủ khẳng định, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo và thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá, và khẳng định quyết tâm rất cao, với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”; từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.

Theo tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị xử lý tài chính hơn 36.000 tỷ đồng, gồm: Tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 3.200 tỷ đồng; giảm chi NSNN gần 18.000 tỷ đồng; kiến nghị khác hơn 14.400 tỷ đồng; giảm lỗ gần 800 tỷ đồng; KTNN đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 233 văn bản, gồm: 2 luật; 6 Nghị định; 23 Thông tư và 202 văn bản khác; có 45 báo cáo kiểm toán có kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể cá nhân được phát hiện từ kết quả kiểm toán năm 2022.

Liên quan đến phòng, chống tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, báo cáo nêu rõ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai 25 đoàn thanh, kiểm tra định kỳ và 40 đoàn kiểm tra đột xuất về hoạt động chào bán, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ, chào mua công khai, việc thực hiện nghĩa vụ của công ty đại chúng, tổ chức niêm yết... việc tuân thủ quy định pháp luật chứng khoán đối với các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần chứng khoán BOS và các công ty có liên quan; khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Qua đó góp phần phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều dư luận về tham nhũng ảnh 1
Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng trong năm 2023 (ảnh minh hoạ).

Năm 2023, để phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) hiệu quả hơn, Chính phủ tiếp tục xác định PCTN, TC là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực.

Thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về PCTN, TC; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật, nhất là về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, TC; kịp thời khắc phục những bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 và kế hoạch tiếp tục thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Chính phủ cũng nhấn mạnh giải pháp tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng…

Thanh tra lĩnh vực đất đai, ngân hàng, bổ nhiệm cán bộ

Phương hướng cũng được tập trung triển khai trong năm tới là thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC. Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, như: đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ…

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội. Đẩy mạnh đôn đốc việc thực hiện kết luận, chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra; kịp thời chuyển ngay các vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện qua thanh tra sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, TC, trước hết là cơ quan thanh tra nhà nước, kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ở các cấp, các ngành, các đơn vị chuyên trách về PCTN…

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTN, TC, Chính phủ kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và PCTN, TC, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài chính, tài sản công…
MỚI - NÓNG