Tình nguyện Hè 2016:

Tập trung nguồn lực về vùng khó

Thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi năm 2015. Ảnh: Xuân Tùng
Thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi năm 2015. Ảnh: Xuân Tùng
TP - Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2016 được tổ chức từ 1/6 đến 31/8 với việc đưa thanh niên tới các vùng gian khó, các xã phường biên giới, đảo tiền tiêu của Tổ quốc chung tay giải quyết những vấn đề xã hội quan tâm, giúp người dân xóa đói giảm nghèo

“Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2016 được tổ chức từ 1/6 đến 31/8 với việc đưa thanh niên tới các vùng gian khó, các xã phường biên giới, đảo tiền tiêu của Tổ quốc chung tay giải quyết những vấn đề xã hội quan tâm, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, gây dựng cuộc sống bền vững hơn”, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong trả lời phỏng vấn Tiền Phong về chiến dịch được giới trẻ mong đợi trong hè này.

Thưa anh, chiến dịch thanh niên tình nguyện (TNTN) hè năm nay có  điểm gì mới về nội dung và phương thức thực hiện?

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đồng thời thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị, T.Ư Đoàn đã lựa chọn chủ đề cho Chiến dịch TNTN Hè 2016 là “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị”. Chiến dịch sẽ tiếp tục được triển khai theo các tuyến đối tượng thanh niên, gồm: “Mùa hè xanh”, “Hoa phượng đỏ”,“Kỳ nghỉ hồng”, “Hành quân xanh”. Chiến dịch chú trọng tổ chức các hoạt động tình nguyện tại chỗ gắn với nhu cầu từng địa phương, đơn vị.

“T.Ư Đoàn xác lập các chỉ tiêu cụ thể cho từng nhóm nội dung chính của Chiến dịch hướng về biên giới, biển đảo; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hoạt động chăm lo cho thiếu nhi”.       

            Anh Lê Quốc Phong

Các hoạt động của tuổi trẻ tham gia xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị được triển khai rộng khắp để tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực chào mừng thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, đồng thời để triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Để tập trung các nguồn lực, T.Ư Đoàn xác định các địa bàn tập trung trong Chiến dịch gồm các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, trọng tâm tại 111 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 12 tỉnh; 431 xã, phường biên giới; các tỉnh bị xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh bị hạn hán tại Nam Trung bộ, Tây Nguyên; các đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, T.Ư Đoàn xác lập các chỉ tiêu cụ thể cho từng nhóm nội dung chính của Chiến dịch về hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới; tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự an toàn giao thông; tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, hoạt động đền ơn, đáp nghĩa; hướng về biên giới, biển đảo; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hoạt động chăm lo cho thiếu nhi.

Về vùng hạn hán, vươn tới biển đảo

Chiến dịch TNTN thường huy động, phát huy tri thức, sức trẻ của thanh niên, tuy nhiên ở nhiều nội dung công việc như công trình hướng về biển đảo, các tỉnh bị xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh bị hạn hán tại Nam Trung bộ, Tây Nguyên… thì cần nguồn vốn đầu tư không nhỏ. Vậy Đoàn huy động nguồn lực thế nào và tập trung giải quyết vấn đề gì tại các tỉnh nói trên?

Tập trung nguồn lực về vùng khó ảnh 1

Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong

Bên cạnh nguồn nội lực của tổ chức, của lực lượng thanh niên, Đoàn sẽ kiến nghị, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp hỗ trợ, bố trí nguồn lực để triển khai chiến dịch, đầu tư cho các địa bàn trọng tâm trên, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội để đầu tư cho các hoạt động tình nguyện trên các địa bàn trọng tâm.

Đối với các hoạt động hướng về biên giới, biển đảo, các cấp bộ đoàn tập trung tuyên truyền trong thanh niên, sinh viên, học sinh, người dân các vấn đề liên quan đến chủ quyền biên giới, biển đảo; hỗ trợ các hộ gia đình tình nguyện ra lập nghiệp lâu dài tại các đảo thanh niên; tổ chức các đội hình sinh viên, học sinh trung cấp hoạt động tình nguyện tại các đảo tiền tiêu, đảo thanh niên với chỉ tiêu mỗi tổ chức Đoàn cấp huyện tổ chức ít nhất một hoạt động tình nguyện hướng về biên giới, biển đảo.

Để tiếp tục tham gia khắc phục thiệt hại do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, việc hỗ trợ nước sạch phục vụ đời sống và nước ngọt phục vụ sản xuất của bà con nhân dân sẽ được triển khai với các hoạt động như: tặng máy bơm, bồn chứa nước sạch; hỗ trợ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn khoan giếng nước, lắp đặt máy lọc nước ngọt; tổ chức các đội hình thanh niên tình nguyện giúp nhân dân vận chuyển nước sinh hoạt; tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên và nhân dân tiết kiệm nước sạch, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, trồng cây xanh bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn… Các tuyến công trình thanh niên do T.Ư Đoàn triển khai sẽ được ưu tiên cho các đối tượng, địa bàn này.

Tạo điều kiện tốt nhất cho thanh niên nước ngoài

Hiện có nhiều thanh niên nước ngoài đến và thực hiện công việc tình nguyện tại Việt Nam. T.Ư Đoàn, Hội SVVN tập hợp và tổ chức chương trình tình nguyện cho họ thế nào để tạo điều kiện thuận lợi đồng thời phát huy nguồn lực này cho chiến dịch tình nguyện?

Tôi nghĩ đây là một lực lượng, một nguồn lực đáng trân trọng đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên Việt Nam. Chúng tôi đã chỉ đạo Ban Quốc tế T.Ư Đoàn, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia và các đơn vị liên quan nắm bắt, tổng hợp nhu cầu hoạt động tình nguyện của các thanh niên, tổ chức thanh niên của nước ngoài có mong muốn tổ chức các hoạt động tình nguyện tại Việt Nam; chỉ đạo các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc đăng ký hoạt động tình nguyện của thanh niên nước ngoài. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tiếp nhận, điều phối để họ tham gia tổ chức các hoạt động tình nguyện tại các địa bàn phù hợp, còn nhiều khó khăn; tổ chức hoạt động tình nguyện cho các tình nguyện viên quốc tế đến Việt Nam; đồng thời phối hợp triển khai hoạt động, nguồn lực tình nguyện với các tổ chức quốc tế có uy tín, kết nối tổ chức các hoạt động tình nguyện cho sinh viên quốc tế đang học tập tại Việt Nam và du học sinh Việt Nam tại nước ngoài; tổ chức dạy tiếng Anh cho thanh niên Việt Nam và dạy tiếng Việt cho thanh niên Việt Nam ở nước ngoài.

Năm nay chính sách cụ thể thế nào cho các chiến sĩ tham gia hoạt động tình nguyện nếu trong trường hợp ngoài mong muốn như bị thương vong do tai nạn hay không, thưa anh?

Trước hết, đối với các hoạt động tình nguyện hè, trong chỉ đạo đã xác định an toàn được đặt lên hàng đầu. Trong quá trình tổ chức, triển khai, các cấp bộ đoàn đều tập trung theo hướng này.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 57/2015/QĐ-TTg ngày 16/11/2015 về chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên, trong đó quy định, nếu xảy ra trường hợp thương vong thì sẽ được hưởng chính sách như thương binh, liệt sỹ theo quy định, hỗ trợ mai táng nếu bị mất. Trong trường hợp xấu nhất, tổ chức Đoàn sẽ kiến nghị, giám sát để các cấp có thẩm quyền thực hiện đúng như Quyết định của Thủ tướng đã ban hành. Tất nhiên, chúng ta không hề mong muốn điều đó xảy ra nên Chiến dịch tình nguyện không chỉ phát huy sức trẻ mà còn là môi trường thử thách an toàn để tuổi trẻ rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.

Trân trọng cám ơn anh và chúc chiến dịch thành công!

MỚI - NÓNG