Bảo vệ quyền lợi người lao động trong khu vực phi chính thức
Theo Tổng Cục thống kê, đến hết quý III năm 2023, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức nước ta chiếm đến 65%, khoảng 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước với số lượng khoảng 33,4 triệu người. Trong đó, riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực lao động phi chính thức chiếm tỷ lệ gần 48% với khoảng 2,3 triệu người.
Đặc điểm của lao động phi chính thức là tính chất công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, hạn chế các quyền về lao động, đảm bảo an toàn lao động, môi trường làm việc, thất thế trong giải quyết tranh chấp lao động; thiếu sự đảm bảo của hệ thống an sinh xã hội.
Cùng với đó, lao động phi chính thức là khu vực yếu thế, gặp nhiều khó khăn, dễ bị tổn thương, trong khi họ đang là lực lượng giải quyết có hiệu quả nhu cầu về nhiều mặt của đời sống dân sinh, đặc biệt là tại các đô thị.
Lao động phi chính thức chịu nhiều thiệt thòi. |
Với phương châm “nơi đâu có người lao động, nơi đó có tổ chức công đoàn”, bằng nhiều giải pháp thí điểm, thời gian qua các cấp công đoàn trong cả nước đã có nhiều cố gắng trong vận động, thành lập và tổ chức hoạt động các nghiệp đoàn khu vực lao động phi chính thức.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, đã thành lập được 134 nghiệp đoàn cơ sở với hơn 11.000 lao động ở nhiều ngành nghề. Dù kết quả đạt được còn khiêm tốn, song đó là những cố gắng bền bỉ, là những thử nghiệm quan trọng nhằm đề xuất chính sách, tìm kiếm giải pháp cho công tác vận động, tập hợp đối với khu vực này trong thời gian tới.
Các cấp công đoàn Thành phố đã tập trung tiếp cận có định hướng, mục tiêu cụ thể đối với người lao động theo ngành nghề ở từng địa bàn; tổ chức tiếp xúc, tuyên truyền, vận động thành lập nghiệp đoàn. Công đoàn cấp trên cơ sở đã sáng tạo nhiều cách làm hiệu quả như tận dụng các thiết chế có sẵn tại địa phương làm nơi gặp gỡ, sinh hoạt, xây dựng tài liệu, cẩm nang, biểu mẫu, thành lập các nhóm thông tin mạng xã hội, hỗ trợ về kinh phí nhằm tạo điều kiện hoạt động ban đầu cho các nghiệp đoàn.
Công tác chăm lo được triển khai thường xuyên, liên tục, nhất là vào các đợt cao điểm hoạt động như Tết, Tháng công nhân, hướng dẫn thủ tục cho đoàn viên nghiệp đoàn tham gia bảo hiểm y tế, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ trang phục bảo hộ cho đoàn viên nghiệp đoàn. Công tác tuyên truyền, giáo dục được lồng ghép triển khai chủ yếu theo phương thức tiếp xúc trực tiếp, lựa chọn nội dung phù hợp, tập trung vào những hiểu biết cơ bản về pháp luật, chủ trương, chính sách, thông tin cảnh báo và biện pháp phòng tránh rủi ro, kỹ năng lao động.
Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật
Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, khi thảo luận về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) đề xuất đưa đối tượng tài xế xe công nghệ vào nhóm bổ sung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo bà Thúy, hiện nay, nền kinh tế, việc làm tự do đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Tài xế xe công nghệ và giao hàng công nghệ là lực lượng lao động quan trọng trong lĩnh vực này và không ngừng tăng nhanh về số lượng. Đây còn là giải pháp việc làm tạm thời, linh động đối với lực lượng lao động chính thức trước những biến động của nền kinh tế đang làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, bà Thúy phân tích.
ĐBQH Nguyễn Thị Diệu Thúy - TP.HCM. |
Vị đại biểu TP.HCM lập luận, căn cứ quy định của Bộ luật Lao động 2019, từ định nghĩa về “người lao động” tại Điều 3 đến “hợp đồng lao động” tại Điều 13, thì nhóm đối tượng này về bản chất là có tồn tại quan hệ lao động. Bởi lẽ tài xế xe công nghệ có thỏa thuận làm việc cho doanh nghiệp vận tải xe công nghệ; có trả lương và có sự điều hành giám sát.
"Các đối tượng này cần được hưởng chính sách hỗ trợ tạo việc làm và bổ sung vào nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhằm ứng phó với rủi ro. Vì vậy, đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, xem xét bổ sung các đối tượng này vào nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc để có giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho họ", bà Thúy phát biểu
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc làm đã đang có nhiều thay đổi, giải quyết vấn đề việc làm là thách thức đối với mọi quốc gia. Đối với nước ta, khu vực lao động phi chính thức vẫn sẽ là nơi có thể giúp giải quyết một phần lớn vấn đề việc làm và các dịch vụ xã hội. Do đó, các cấp công đoàn cho rằng cần thiết phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến khu vực phi chính thức, trong đó, quan tâm các nội dung liên quan đến môi trường, điều kiện làm việc, việc tham gia vào hệ thống an sinh xã hội kể cả tự nguyện hoặc bắt buộc.
Đồng thời cần tạo cơ chế, xây dựng chính sách hỗ trợ để lao động khu vực phi chính thức được đào tạo nghề, tìm kiếm cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, có thể vượt qua những biến cố ngặt nghèo mà đại dịch COVID-19 vừa qua là một minh chứng thực tế.