Thông tin này được đưa tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương được tổ chức ngày 7/4 vừa qua.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, năm 2015, thiên tai tuy không gây thiệt hại nhiều về người nhưng gây thiệt hại lớn về kinh tế cho ngành Công Thương, tổng thiệt hại ước tính khoảng 1.720 tỷ đồng.
Theo đó, thiệt hại nặng nề nhất trong các đơn vị thuộc ngành Công Thương là Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) khi đợt mưa lớn lịch sử tại Quảng Ninh diễn ra từ 25/7-5/8 gây thiệt hại 1.200 tỷ đồng và 3 vạn thợ mỏ việc làm bị ảnh hưởng. Đợt mưa lớn này cũng gây thiệt cho Tổng công ty Đông Bắc khoảng 315 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thiên tai cũng gây thiệt hại không nhỏ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tổng giá trị thiệt hại năm 2015 khoảng 200 tỷ đồng. Điển hình như bão số 1 (Kujira), diễn ra cuối tháng 6/2015 gây thiệt hại cho Nhà máy Thủy điện Sơn La và công trình xây dựng NMTĐ Huội Quảng; lưới điện phân phối có 22 lộ đường dây, 16 nhánh rẽ, 917 TBA bị sự cố, gây mất điện trên 314.000 khách hàng thuộc 29 huyện, thị xã các tỉnh phía Bắc...
Ngoài ra, đợt mưa lũ kéo dài từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8/2015 tại khu vực phía Bắc, làm ảnh hưởng đến một số công trình của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh, nhiều vị trí cột và trạm biến áp 500 kV, 220 kV bị sạt lở; lưới điện phân phối bị thiệt hại nặng nề.
Đặc biệt đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài trên địa bàn các tỉnh từ Bắc Bộ đến Nam Trung Bộ từ cuối năm 2015 đến thời điểm hiện nay làm hầu hết các hồ chứa thủy điện của EVN chỉ tích được 70-80% dung tích so với nhiều năm (chưa có thống kê về thiệt hại). Hiện nhiều hồ thủy điện đã tạm thời tách khỏi thị trường điện để đặt nhiệm vụ cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho hạ du lên trên nhiệm vụ phát điện.