75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Tạo sự cân bằng chiến lược cho đất nước

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
TP - "Hiện nay, Việt Nam đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định khu vực và thế giới, tham gia vào công việc chung, tạo ra sự cân bằng chiến lược cho đất nước", Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trao đổi với Tiền Phong.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân đủ mạnh

Trong hoạt động đối ngoại quốc phòng, sự độc lập, tự do của đất nước được chuyển tải như thế nào, thưa ông?

Khi tham gia các hoạt động hợp tác quốc phòng với các nước trên thế giới, cơ sở đặc biệt quan trọng giúp chúng ta thành công là lịch sử của đất nước. Lịch sử của chúng ta rất đặc biệt và đáng tự hào. Trước đây, chúng ta quan niệm bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ lãnh thổ, không theo ai, không dựa vào ai và không xâm phạm ai. Cái đó hoàn toàn đúng trong thời gian dài và phát triển như hôm nay. Nhưng trong giai đoạn hiện nay còn cần phải đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định khu vực và thế giới, tham gia vào công việc của thế giới, tạo ra sự cân bằng chiến lược cho đất nước.

Để làm việc đó, ngoài ứng xử khôn khéo, đường lối đúng thì quân đội phải mạnh, đất nước phải mạnh. Đất nước mạnh mà quân đội yếu thì đất nước không thể vững, nhưng nếu quân đội trở thành gánh nặng của nền kinh tế - xã hội, sẽ kéo theo sự suy yếu của đất nước. Do đó, hiện nay, chúng ta vừa phải phát triển đất nước, vừa phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền, độc lập tự chủ mà không trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.

Theo ông, đâu là những thách thức mà chúng ta cần đặc biệt lưu ý trong thời gian tới?

Độc lập, tự do đã giành được rồi, chúng ta hoàn toàn tin tưởng và quyết tâm gìn giữ. Song những thách thức ở phía trước cũng không nhỏ. Hiện chúng ta đang sống trong xã hội hòa bình, xu thế chung là hòa bình và ổn định, tức là không bị xâm hại từ bên ngoài và không bị phá vỡ từ bên trong. Tuy nhiên, cũng đang có rất nhiều thách thức ở phía trước. Đó là những thèm muốn, dòm ngó bên ngoài với những giá trị cơ bản của đất nước ta. Đó là những nguy cơ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong chính nội bộ. Chỉ cần chúng ta lơ là điều đó giây lát thôi thì nguy cơ đối với độc lập, tự do sẽ thành sự thật.

Bên cạnh đó, chúng ta phải đối diện nguy cơ tụt hậu. Tụt hậu trong quốc phòng là giảm khả năng bảo vệ đất nước, giảm khả năng tránh cho đất nước bị tổn thương bởi các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Phải tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước. Đó là tăng cường quan hệ quốc tế, giữ để không có kẻ thù, chỉ có bạn, đối tác để hợp tác và đối tượng để chúng ta đấu tranh. 

Dự báo sớm

Trong bối cảnh có nhiều thách thức phi truyền thống, chiến lược giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc có điều gì cần lưu ý?

Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng. Dự báo sớm, dự báo đúng thì khả năng chiến thắng sẽ rất cao, để những người đang có dã tâm nhòm ngó lợi ích của chúng ta từ bỏ cái dã tâm đó đi. Chúng ta không làm hại đến ai nhưng luôn bảo vệ lợi ích của mình và tôn trọng lợi ích của người khác. Dự báo sớm để hóa giải nguy cơ từ sớm, từ xa, chứ không phải để ngồi đó và chờ đợi kẻ thù đến.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hòa bình, hội nhập, toàn cầu hóa và chúng ta có quan hệ với tất cả các nước thì việc dự báo hết sức khó khăn. Hiện nay xuất hiện nhiều vấn đề mới, nhất là những thách thức phi truyền thống như an ninh nguồn nước, an ninh biển, an ninh lương thực, năng lượng, môi trường... ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước. Vì thế, vấn đề dự báo sớm càng đặc biệt quan trọng.

“Yêu cầu đặt ra là chúng ta phải bảo vệ cho được chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ hòa bình. Muốn vậy, chúng ta phải không để bị kéo về bên nào, và cũng không để các nước lớn đánh nhau trên sân nhà mình”. 
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Trong cuộc họp đầu tiên của Quân ủy Trung ương khóa 12 (năm 2016), Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng, mà tôi nhớ có hai điểm đặc biệt. Một là, trong nhiệm kỳ này phải xây dựng cho được Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự... để hoàn thiện hệ thống văn bản về bảo vệ Tổ quốc của Đảng và Nhà nước. Hai là, đối với vấn đề an ninh phi truyền thống (thiên tai, dịch bệnh...), không quan niệm là giúp dân nữa, mà cần được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Quân đội trong thời bình.

Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã chỉ đạo xây dựng và thông qua các chiến lược định hướng toàn bộ các nhiệm vụ của Quân đội đồng bộ với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của Đảng, đất nước, nhân dân và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp củng cố quốc phòng - xây dựng quân đội thắng lợi trong nhiệm kỳ qua. Đối với các thách thức an ninh phi truyền thống, quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Quân đội đã vào cuộc một cách bài bản, nhanh chóng, chuẩn bị đầy đủ, thực hiện nghiêm “4 tại chỗ”.

 Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, Quân đội là lực lượng nòng cốt, tiên phong triển khai các đơn vị vào cuộc, tham gia phòng, chống dịch đồng bộ; tham mưu đúng đắn, phối hợp nhuần nhuyễn, kế hoạch bài bản và chỉ huy thống nhất. Nhờ dự báo sớm, tầm nhìn xa của Quân ủy Trung ương thể hiện qua chỉ đạo chiến lược của đồng chí Tổng Bí thư như dân gian thường ví von “một người lo bằng kho người làm” đã định hướng, giúp chúng ta chủ động thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, không bị bất ngờ trong mọi tình huống. 

Nhìn xa trông rộng

Chúng ta đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ông kỳ vọng gì về đại hội, nhất là trong việc lựa chọn nhân sự để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới?

Đại hội XIII phải dự báo cho được tình hình, cả thời cơ lẫn nguy cơ, từ đó lựa chọn con người đáp ứng được yêu cầu mới của Đảng, của đất nước. Đất nước ta đang phát triển, thời cơ, thuận lợi rất nhiều, nhưng thách thức không ít. Đó là thách thức về bất ổn xã hội, những thế lực thù địch muốn thay đổi chế độ; rồi nhiều thế lực muốn chính sách của chúng ta bị chi phối theo lợi ích của họ. Bên cạnh việc kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phải giữ cho được hòa bình, ổn định. Rồi những cạnh tranh khốc liệt giữa các nước lớn trong khu vực ảnh hưởng đến an ninh, ổn định của đất nước... 

Một thách thức nữa là sự phát triển. Thế giới giờ đây chuyển động rất nhanh. Bây giờ khi nói về chiến tranh, xung đột thì không khói súng vẫn có thể đạt được mục đích. Cho nên nhìn thấy sự phát triển của thế giới mà ứng xử cho đúng với các nguy cơ, các tình huống có thể xảy ra. Ngoài ra, các thách thức phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh và không loại trừ con người lợi dụng điều này để chiếm đoạt lợi ích của người khác. Vậy trong tình huống đó, bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân như thế nào? Tất cả những thách thức đó đòi hỏi người lãnh đạo phải có đầy đủ năng lực, dự báo được tình hình, xử lý thành công các tình huống diễn ra. Chúng ta sẽ tiếp tục đạt được những thành công mới, nếu có tầm nhìn rộng ra, xa ra và hình dung được tương lai. 

Cảm ơn ông.

6 mốc son ngoại giao, 3 cột mốc quốc phòng

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS Carlyle Thayer (ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc) nhận định, Việt Nam đã đạt được 6 mốc son ngoại giao.

Thứ nhất, trở thành thành viên Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11/1998.

Thứ hai, trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 11/2006.

Thứ ba, Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) lần đầu tiên (nhiệm kỳ 2008-2009), đóng góp tích cực vào việc giải trừ, không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Thứ tư, vào tháng 2/2019, Hà Nội được chọn làm địa điểm cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Thứ năm, Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ) lần thứ hai (nhiệm kỳ 2020-2021).

Thứ sáu, Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020 đã ứng phó hiệu quả với đại dịch toàn cầu COVID-19 thông qua sự dẫn dắt mang tính quyết định về việc tái định hướng ASEAN chống lại nguy cơ lớn đối với sức khỏe cộng đồng ở Đông Nam Á.

Về quốc phòng, Việt Nam đã đạt được 3 cột mốc lớn thông qua hiện đại hóa các lực lượng vũ trang và đóng góp vào an ninh toàn cầu.

Thứ nhất, năm 2006 quyết định hiện đại hóa lực lượng hải quân và phòng không.

Thứ hai, năm 2008, nâng cấp lực lượng cảnh sát biển với nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, tìm kiếm-cứu nạn và bảo vệ chủ quyền ở biển Đông.

Thứ ba, năm 2018 gia tăng đáng kể mức độ cam kết đối với việc gìn giữ hòa bình LHQ bằng cách triển khai lực lượng quân y tới bệnh viện dã chiến cấp 2 ở Nam Sudan. “Việt Nam đã đóng vai trò tích cực và xây dựng trong các mối quan hệ quốc tế cả ở cấp độ khu vực và toàn cầu, đặc biệt sau năm 1995 khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ và trở thành thành viên thứ 6 của ASEAN. Ngày nay, uy tín quốc tế của Việt Nam hiện ở mức cao kỷ lục”, GS Thayer nhận định.

MỚI - NÓNG