> Yên Kỳ giữa tiết Thanh minh
> Chợ dương giữa cõi âm
Lo cho người âm đón Tết
Chế Anh Hậu (Hòa Khương) - một cái tên rất... ca sĩ nhưng mưu sinh bằng nghiệp thợ nề. Thời buổi đất đai đóng băng, xây dựng đìu hiu, Hậu thất nghiệp dài dài cả năm trời nhưng đến tháng Chạp lại bắt đầu đắt hàng, đủ cho một cái tết tàm tạm.
Hậu thuộc đội của chủ thầu Ba Toa (xã Hòa Khương), khoảng 10 người, bắt đầu đổ quân ra nghĩa trang Gò Cà sơn sửa mộ phần từ đầu tháng 12 âm lịch, công việc cứ thế kéo dài đến tận gần 29 tết mới nghỉ.
“3 năm nay, em xung vào đội quân chạp mả thuê (tảo mộ thuê – PV), kiếm được lắm. Như năm nay, làm quần quật không nghỉ từ sáng tới tối, được bao ăn trưa, được trả 250 ngàn/ngày. Thế là tết này có gần chục triệu đưa vợ, sướng !” - mồ hôi giọt tong tong trên mộ phần giữa trưa nắng, nhưng Hậu không giấu nét cười tươi.
Chế Anh Hậu mới sơn xong một ngôi trong khu mộ to đùng, rít hơi thuốc dài, buồn bã: Còn cả trăm cái như thế này, làm quần quật đến 29 Tết, ra năm cung cúc lên lại, xem gia chủ họ hương khói thế nào, chủ yếu là để nhận tiền lì xì chứ tiền công thì quy về một mối nơi cai rồi. Ba năm nay, chưa tết nào rảnh được mà chạp mả ông bà, cũng bởi lo chạp mả thiên hạ mất rồi. |
Theo Chế Anh Hậu, ở Gò Cà có khoảng trên dưới 15 đội quân của cai thầu, trong đó Ba Toa, thím Bảy và Hùng là ba cái tên nổi trội nhất.
“Ba Toa và thím Bảy là dân Hòa Khương, trước cũng vất vả lắm, gặp cạnh tranh dữ dội từ các đội khác, có cả dân Đại Hiệp (Đại Lộc - Quảng Nam) ra, nhưng dần dần, lãnh địa được phân chia rõ ràng, ai có mộ phần nấy, không được đụng nhau” – Hậu kể xong rồi vanh vách như thuộc làu: Ba Toa gần 1 ngàn mộ, thím Bảy gần ngàn mốt, Hùng thì hơn 500, những người còn lại như ông K., ông Tám cũng có 3-4 trăm mộ, cứ thế mà làm.
Anh Nguyễn Dũng (Hòa Khương), “biên chế” trong đội quân tảo mộ thuê của thím Bảy hơn 5 năm nay, vừa tỉ mẩn vẽ lại con rồng trên đầu mộ phần, nói: Công việc này đòi hỏi phải tập trung, vì thế giá tiền cao hơn những người quét vôi dọn cỏ. Thường sơn mộ 250 ngàn/ngày, còn các phần việc khác chỉ 150 - 200 ngàn/ngày thôi. Tính sơ sơ, Dũng cũng có gần 10 triệu cho cái tết.
“Thím Bảy xua quân đi làm cả tháng nay rồi, bà ấy là người có tâm, vôi hay sơn gì bà ấy cũng bắt mua chất lượng tốt, bởi thế nên nhiều chủ mộ ở Đà Nẵng, Sài Gòn thích. Bà ấy giờ quản cả ngàn ngôi mộ.
Đội quân thím Bảy pha sơn chuẩn bị tỏa ra các khu mộ để làm việc. |
Quá trưa, thím Bảy phóng xe máy lên kiểm tra, cười tươi rói phân trần: Làm phúc đức thôi chú ạ, ai tính toán tiền nong gì ở cái xứ âm binh này. Rồi thím cũng không ngại khoe: Chị quản gần ngàn cái, toàn quen cả, cũng hơn 10 năm rồi còn gì, có chủ mộ biết chị dễ đến 20 năm nay rồi.
Nói đoạn, thím chỉ tay, phóng tầm mắt ra xa, nơi hàng ngàn ngôi mộ chập chùng: Khu đó của em trai chị, khoảng 300 cái, dưới nữa là của ông cậu, hơn 500 cái. Làm ăn có uy tín, có cái tâm nên giờ được đặt hàng nhiều chú ạ. Rồi thím lại cười: Thôi, chị zdọt đã, về lo bán hương cho người lên... tảo mộ, đây mới là nghề chính của chị.
Thím Bảy bán hương ở cổng nghĩa trang Gò Cà nên chỉ ghé tầm trưa kiểm tra công việc, nhưng cai Hùng lại ở xa nên thường xuyên ở lại cùng đội.
Hùng còn trẻ, cũng xuất thân từ thợ nề nhưng hơn 10 năm nay chuyển hẳn sang làm cai chăm sóc mộ ở Gò Cà. Quân của Hùng chỉ 7 người nên việc sơn sửa vôi ve, vệ sinh nhổ cỏ cho hơn 500 ngôi mộ phải tiến hành trước tháng Chạp.
“cai” Hùng đang quan sát công việc. |
“Ngó đơn giản thế thôi, nhưng phức tạp lắm đấy, muốn ăn tiền phải làm đẹp lòng gia chủ”. Rồi Hùng chỉ tay vào anh Nguyễn Tín đang sơn đầu rồng, nói: Đó, loạng quạng là 3 người mất cả buổi với cái này.
Theo Hùng, quy định ngầm trong việc tảo mộ thuê ở Gò Cà là khu vực của chủ thầu nào thì người đó làm, không bao giờ lấn sân của nhau và người ngoài tự ý vào làm chắc chắn sẽ sinh chuyện.
“Chẳng ai viết ra, nhưng quy định ở đây là vậy, giờ có chủ mộ nào đến trả tôi nhiều tiền để tảo mộ khu khác tôi cũng không làm. Làm việc này chủ yếu để tiếp thị, để sau người ta giới thiệu mình xây mộ, nếu làm không sạch là bị chủ mộ phàn nàn, mất mối làm ăn”- Hùng nói.
Vì đâu từng cai có thể quản đến cả ngàn ngôi mộ ? Hùng kể, ban đầu chẳng chủ mộ nào yêu cầu sơn sửa, nhưng các cai cứ cho quân dọn dẹp sơn sửa luôn.
“Làm thế để giữ mối làm ăn, thật ra cũng không lỗ. Khi Tết đến, mọi người đi thăm mộ ông bà tổ tiên, nhìn thấy mộ sạch sẽ khang trang thì họ tiếc gì tiền. Ít thì 50 chục ngàn, nhiều thì vài trăm”. Để lấy được tiền, sáng sớm mồng Một Tết là người nhà chủ thầu lại chia ra canh giữ tất cả khu mộ của mình, khi có ai đến thắp hương là họ lặng lẽ đứng bên cạnh, chủ mộ hiểu ý, thế là đưa tiền.
Ít rảnh để tảo mộ ông bà
Già nhất trong đội quân tảo mộ thuê của thím Bảy là ông Tư (Hòa Khương), với thâm niên 20 năm cần mẫn tảo mộ người dưng. Ông Tư cũng chính là người đầu tiên đi tảo mộ thuê ở Gò Cà. Ông Tư kể, hồi đó chỉ là làm ơn nghĩa đối với những ngôi mộ vô chủ, những mộ từ lâu không ai chăm sóc hương khói. Dần dần, ông được gia chủ cho quà, bánh kẹo rồi lì xì năm mới, lúc mươi ngàn, khi hai chục. Sau này, già Tư nhập luôn vào đội quân thím Bảy, trở thành thợ chủ lực.
Ông Tư đã 20 năm làm nghề tảo mộ thu. |
Ông Tư vừa pha sơn, kể rằng làm thợ nề bình thường có thể qua loa đại khái một tí nhưng với cái nghề tảo mộ thuê, ai cũng mang trong mình một nỗi sợ mơ hồ. “Làm không tốt thì có tội với người âm, rồi hậu vận của mình, con cháu mình cũng chẳng ra gì”.
Theo ông Tư, nghề tảo mộ thuê ra đời từ hơn chục năm trước, khi vùng đất Gò Cà trở thành “đô thị sầm uất” dành cho người của thế giới bên kia. Ban đầu, một vài người sống gần nghĩa trang được chủ mộ thuê cuốc đất, dọn cây cỏ dại quanh mộ vào tiết tảo mộ cuối năm.
Chủ mộ khỏi mất công đi tảo mộ, còn những người được thuê thì có thêm thu nhập. Đôi bên cùng có lợi, thế là dần hình thành nghề tảo mộ thuê, cái nghề “sống trên đất chết” theo đúng nghĩa của nó.
Theo thời gian, nghĩa trang Gò Cà không ngừng gia tăng “dân số”, những ngôi mộ chen chúc nhau, mộ của người nghèo cũng lắm mà của người giàu cũng nhiều, vì thế nghề tảo mộ trở thành “việc nhẹ lương cao” so với những công việc khác, thu hút nhiều người tham gia.
Mưu sinh cận tết ở nghĩa trang Gò Cà. |
Phần lớn những người đi tảo mộ thuê đều không khá giả gì, họ là nông dân, công nhân... làm việc này cốt để lấy tiền trang trải 3 ngày Tết.
Anh Trần Tấn Tư (lính cai Hùng), kể rằng, ông Tư - người chứng kiến từ đầu đến cuối những thăng trầm của nghề tảo mộ thuê luôn khuyên anh em ráng kiếm nghề khác, ổn định cuộc sống lâu dài.
“Biết là chơi cả năm chỉ làm tháng tết, ai cũng xót xa nhưng tìm việc bây giờ khó quá, thôi đành sống chết bám nghĩa trang” - anh Tư nói.