Tăng vọt sản xuất tên lửa và tham vọng vô cùng lớn lao của Ấn Độ

Tên lửa hành trình siêu thanh tấn công từ mặt đất BrahMos. (Nguồn: PTI)
Tên lửa hành trình siêu thanh tấn công từ mặt đất BrahMos. (Nguồn: PTI)
TPO - Đẩy mạnh sản xuất tên lửa; thử nghiệm phiên bản tên lửa siêu thanh nhanh nhất thế giới; đặt mục tiêu phải nắm được 100 hạng mục công nghệ mũi nhọn về hải quân..., người Ấn Độ dường như đang cho thấy sức mạnh quân sự nội địa và bộc lộ tham vọng trở thành cường quốc xuất khẩu vũ khí.

Rốt ráo thử tên lửa

Ngày 27/5, Ấn Độ đã thử thành công phiên bản tiên tiến nhất của tên lửa hành trình siêu thanh tấn công từ mặt đất BrahMos. Cuộc thử nghiệm diễn ra tại bãi thử Pokhran, huyện Jaisalmer, bang Rajasthan. Giới chức nước này khẳng định vụ phóng thử đã thành công, đáp ứng các thông số kỹ thuật. Tên lửa đã bắn trúng và tiêu diệt được mục tiêu giả định. 

BrahMos là tên lửa hành trình chống hạm nhanh nhất thế giới do Ấn Độ và Nga cùng phát triển. Đây là loại tên lửa hành trình siêu thanh tầm ngắn có thể phóng đi từ tàu ngầm, tàu chiến, máy bay hay trên đất liền. Tên lửa này có tầm bắn 290km.

Trước đó Ấn Độ đã có hàng loạt các cuộc thử tên lửa chiến lược khác nhau. Chẳng hạn, vào ngày 3/12/2013, Ấn Độ đã thử tên lửa đất đối đất Prithvi-II có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ dàn thử liên hợp ở Chandipur thuộc bang Odisha, miền Đông Ấn Độ.

Tên lửa đất đối đất Prithvi-II đã được phóng từ một bệ phóng di động tại bãi thử tên lửa ở bang Odisha, miền Đông Ấn Độ.Tên lửa đạn đạo do Ấn Độ tự chế tạo này có tầm bắn tối đa 350km. Tên lửa Prithvi-II có khả năng mang một đầu đạn nặng từ 500-1.000kg, đã được đưa vào hoạt động từ năm 2003.

Vào hồi tháng 1/2016, Ấn Độ cũng đã thử tên lửa đất đối không Akash tự chế tạo tại bãi thử ở Chandipur. Một quan chức Ấn Độ cho biết tên lửa trên có tầm bắn 25km và có khả năng mang đầu đạn nặng 60kg. 

Đây là một hệ thống phòng không đất đối không tầm trung do Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ phát triển nằm trong chương trình phát triển tên lửa dẫn đường tích hợp của nước này.

Loại tên lửa trên sử dụng hệ thống đẩy Ramjet và có tốc độ nhanh hơn tốc độ âm thanh. Tên lửa này chính thức được phiên chế cho lực lượng không quân Ấn Độ hồi tháng 7/2015.

Akash có khả năng vô hiệu hóa các mục tiêu trên không như máy bay tiêm kích, tên lửa hành trình và tên lửa không đối đất.

Tăng tốc sản xuất tên lửa

Ngày 17/3, mạng tin NDTV của Ấn Độ đưa tin nước này có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng tên lửa lên 100 quả/tháng. 

Phát biểu tại hội nghị do Liên đoàn các ngành công nghiệp Ấn Độ (CII) tổ chức tại Hyderabad hôm 16/3, Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDL), ông K. Jayaraman cho biết một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ hiện đang sản xuất từ 50​-60 tên lửa Akash/tháng, Chính phủ Ấn Độ yêu cầu tăng sản lượng lên 100 tên lửa/tháng. 

Tăng vọt sản xuất tên lửa và tham vọng vô cùng lớn lao của Ấn Độ ảnh 1 Thử nghiệm phóng tên lửa đất đối đất Prithvi-II 
Theo ông Jayaraman, trước hết, kế hoạch mở rộng sản xuất này phải đáp ứng nhu cầu của các lực lượng, các binh chủng thuộc quân đội Ấn Độ, sau đó mới có thể xuất khẩu. Nhiều quốc gia như Malaysia, Singapore và cả một số quốc gia khác ở khu vực Nam Mỹ cũng tỏ ý quan tâm tới việc mua tên lửa Akash và BrahMos của nước này. 

Ông cho biết Chính phủ Ấn Độ đang trong quá trình soạn thảo chính sách về việc xuất khẩu mặt hàng đặc biệt này.

Công bố chương trình phát triển hải quân 

Chương trình này được công khai vào tháng 4 vừa qua. Yêu cầu của chương trình là trong vòng 15 năm, Ấn Độ phải nắm được 100 hạng mục công nghệ mũi nhọn, trong đó bao gồm tên lửa, pháo hạm, động cơ đẩy, hệ thống phát điện, hệ thống giám sát, phát hiện mục tiêu, radar, vũ khí năng lượng định hướng, tàu ngầm và vũ khí chống ngầm, hệ thống phòng không hải quân, tác chiến mạng và hệ thống quản lý chiến đấu…

Ngoài ra, nước này còn phấn đấu phải nắm bằng được công nghệ tên lửa siêu thanh, tên lửa hành trình và vũ khí hóa học, trong đó một số hạng mục do chính Ấn Độ chế tạo. Đồng thời với đó, đến năm 2027, tàu chiến của Hải quân Ấn Độ từ số lượng hiện có là 138 sẽ được tăng lên 200 chiếc; máy bay từ 230 chiếc sẽ được tăng lên 600 chiếc.

Chương trình phát triển đầy tham vọng này yêu cầu Ấn Độ phải giảm tỷ lệ nhập khẩu thiết bị cảm biến, tên lửa siêu thanh tầm xa, tên lửa hành trình, vũ khí laser và vũ khí năng lượng định hướng, cũng như các thiết bị quân sự khác.

Căn cứ vào chính sách “Made in india”, công ty quốc phòng nước ngoài sẽ được khích lệ hợp tác với các công ty của Ấn Độ, xây dựng cơ sở sản xuất tại nước này, chuyển giao công nghệ chế tạo tiên tiến nhất. Mục đích là nhằm nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cũng như tăng cơ hội chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị cho Ấn Độ.

Tham vọng đứng đầu về xuất khẩu vũ khí

Tăng vọt sản xuất tên lửa và tham vọng vô cùng lớn lao của Ấn Độ ảnh 2 Xe tăng quân đội Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mạng Livemint.com đưa tin Ấn Độ đang tìm cách tăng khối lượng xuất khẩu vũ khí lên 20 lần trong thập niên tới, đạt mức 3 tỷ USD. Động thái này nếu thành công sẽ giúp New Delhi trở thành nước bán thiết bị quốc phòng lớn thay vì là một trong những nước nhập khẩu thiết bị quốc phòng lớn nhất thế giới như hiện nay. 

Quan chức phụ trách lĩnh vực sản xuất thiết bị quân sự của Bộ Quốc phòng Ấn Độ A. K Gupta nhận định các bước đi do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thực hiện nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất thiết bị quốc phòng nếu được thực hiện đúng lộ trình sẽ mở ra cơ hội đạt được mục tiêu trên vào năm 2025. 

Tuy nhiên, thách thức đặt ra là phải thúc đẩy được hoạt động đầu tư và kỹ thuật công nghệ từ lĩnh vực tư nhân.

Ấn Độ bán vũ khí với giá trị chỉ vào khoảng 150 triệu USD mỗi năm ra nước ngoài trong khi phải nhập khẩu vũ khí trị giá lên tới 5,6 tỷ USD trong năm 2014.

MỚI - NÓNG