Dự kiến, năm 2017, khi trình Quốc hội Bộ Luật Lao động sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục trình phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Giải pháp này nhằm ứng phó nguy cơ mất cân đối Quỹ Bảo hiểm Xã hội, tình trạng già hóa dân số ngày càng nhanh… Tuy nhiên, việc kéo dài tuổi lao động “tham quyền cố vị” hay “chiếm” việc làm của người trẻ cũng là vấn đề cần đặt ra.
Tại không ít diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên đã nêu quan điểm: Hiện nước ta chưa tận dụng hết khả năng của lao động. Trong khi nhiều nước trên thế giới quy định tuổi hưu lên tới 65 - 67 tuổi, nước ta vẫn giữ tuổi hưu 55 (với nữ) và 60 tuổi (với nam).
Theo ông Dương, đây là cách “chơi trội” của Việt Nam. “Tâm lý phổ biến hiện nay của người lao động là thích nghỉ nhiều, lao động ít, hưởng bảo hiểm xã hội dài hơn... Trong khi, năng suất lao động Việt Nam thấp, như vậy bao giờ mới đuổi kịp các nước”, ông Dương bày tỏ lo ngại.
Thích nghỉ nhiều, làm ít
Tại Việt Nam, nhiều người sắp nghỉ hưu có tâm lý làm ít việc để “chuyển giao cho lớp trẻ”. Thậm chí, bản thân các đơn vị sử dụng lao động cũng có tâm lý tương tự, nên để những người sắp nghỉ hưu làm việc ít hơn, thậm chí khấu trừ định mức công việc theo tuổi. Sắp nghỉ hưu là vậy, khi đã nghỉ hưu, rất nhiều người có lương hưu cũng không lao động nữa, trong khi sức khỏe vẫn còn đủ để có thể làm việc tiếp.
Khác với Việt Nam, nhiều nước trên thế giới ngoài quy định tuổi nghỉ hưu cao, còn tận dụng khả năng đóng góp của người nghỉ hưu vào lao động sản xuất. Bà Mary Ann Tsao, Chủ tịch Mạng lưới hỗ trợ người cao tuổi toàn cầu (HelpAge) lấy ví dụ, ở Singapore nhiều người trên 65 tuổi vẫn làm việc ví như lái taxi, dọn vệ sinh.
TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, người Việt từ 60 đến 69 tuổi vẫn đủ năng lực, kinh nghiệm và sức khỏe để làm việc. Như chính bản thân ông, năm 2010, mới nghỉ hưu khi đã 64 tuổi. Dù khi tới tuổi nghỉ hưu theo luật (60 tuổi) ông không còn giữ chức viện trưởng, nhưng vẫn công tác tại viện và làm trợ lý bộ trưởng thêm vài năm, sau làm chuyên gia độc lập tới nay.
“Chiếm” việc làm giới trẻ
Từ quá trình nghiên cứu và thực tế bản thân, TS Nguyễn Hữu Dũng đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu và cân bằng tuổi hưu giữa nam với nữ. Tuy vậy, theo ông Dũng, việc nâng tuổi hưu phải theo lộ trình, xét cân đối cung - cầu thị trường lao động, đặc thù công việc (vì kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn tới người trẻ thiếu việc làm). Hiện bình quân tuổi nghỉ hưu của người Việt với nữ là 52 tuổi và nam 57 tuổi, thấp hơn mức tuổi pháp luật quy định.
“Rất cần thiết nâng tuổi hưu. Nhưng phải có cơ chế linh hoạt để người lao động có quyền lựa chọn nghỉ hưu sớm hay làm hết tuổi”, ông Dũng nói. Để giải quyết tình trạng “tham quyền, cố vị”, theo ông Dũng, có thể hạn chế độ tuổi nhất định cho từng vị trí công việc, nếu quá tuổi có thể chuyển sang làm chuyên gia, cố vấn…
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, hiện tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang tăng nhanh, gây sức ép lớn lên Quỹ Bảo hiểm Xã hội. Có nhiều chuyên gia cho rằng, nước mình nghèo, năng suất lao động thấp, nhưng cho nghỉ hưu quá sớm là lãng phí. “Nếu chúng ta tăng tuổi hưu sẽ ảnh hưởng tới việc làm của người trẻ, nên phải tính toán để cân đối. Hiện một số lĩnh vực đã tăng tuổi nghỉ hưu, như trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục. Vì vậy, trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này, chúng tôi sẽ tiếp tục trình Quốc hội nâng tuổi nghỉ hưu”, ông Huân nói.
Dự kiến, năm 2017, bộ luật này sẽ được trình Quốc hội. Theo đó, nếu tăng tuổi hưu sẽ có lộ trình tăng dần trong nhiều năm, mỗi năm chỉ tăng 2-3 tháng; mỗi lần tăng nữ sẽ tăng nhiều hơn nam để đảm bảo tới mốc nào đó, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau. Lộ trình tăng có thể 5-10 năm, thậm chí 15 năm.
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho hay, hầu hết người cao tuổi của Việt Nam sống ở nông thôn, không có bảo hiểm xã hội, nên dù 60-70 tuổi họ vẫn làm việc nuôi sống bản thân. Điều đó cho thấy, lao động dù tuổi cao vẫn có thể làm việc bình thường. Tuy vậy, theo ông Đàm, việc tăng tuổi hưu phụ thuộc nhiều yếu tố, như nhu cầu nguồn nhân lực, sức khỏe, tính chất nghề nghiệp…
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ người cao tuổi tại Việt Nam đang tăng nhanh, từ mức 6,9% dân số năm 1979, lên 10,5% dân số hiện nay. Dự kiến năm 2050, Việt Nam có khoảng 10 triệu người cao tuổi. Khi trình Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, Bộ LĐ-TB&XH cũng từng đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 tuổi, nhưng chưa được Quốc hội chấp thuận.
Với các chính sách hiện nay, tới năm 2050, quỹ hưu trí, tử tuất sẽ bắt đầu mất cân đối, và không đủ chi trả các chế độ từ năm 2051.