Cảnh báo tín dụng bùng phát rủi ro
Ngày 11/9, Ngân hàng HSBC công bố Báo cáo triển vọng thị trường Việt Nam tháng 9/2017. Nhận xét về việc Chính phủ kêu gọi mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21% (nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6,7%), HSBC cho rằng, đây là điều có thể dễ dàng đạt được với đà tăng trưởng tín dụng như hiện tại.
Hai yếu tố được HSBC nhắc tới đó là tín dụng đã đạt 11,5% tính đến hết tháng 8 theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất hồi tháng 7.
Tuy nhiên, các chuyên gia của ngân hàng này cũng cảnh báo rằng, tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành ngân hàng, đặc biệt nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành công nghiệp kém hiệu quả.
Chẳng hạn như liên quan đến bất động sản, trong tổng tín dụng cả nước thì các lĩnh vực liên quan đến bất động sản dường như vẫn đang góp phần nhiều nhất, dù rằng những tháng gần đây, tỷ trọng đóng góp đã giảm. Trong giai đoạn trước, đặc biệt là từ năm 2006 đến 2008, kinh tế phát triển nóng thì tín dụng vào bất động sản là một trong những lý do chính làm gia tăng nợ xấu và khủng hoảng ngành ngân hàng hồi năm 2011.
Hoặc như những nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều ghi nhận rằng các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hiện đang hấp thụ một lượng tín dụng không cân xứng so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, nhóm này lại hưởng lãi suất thấp hơn so với doanh nghiệp tư nhân, điều này cho phép các DNNN yếu tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để tránh tình trạng thu hẹp bảng cân đối kế toán…
Không nới điều kiện vay dễ dãi
Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, hết tháng 8/2017, tín dụng tăng 11,5%, tương đương với hơn 600 nghìn tỷ đồng đã được bơm thêm. Như vậy, trong 4 tháng còn lại, mỗi tháng các ngân hàng phải bơm cho nền kinh tế hơn 150 nghìn tỷ đồng nữa - gấp đôi mức tiền bơm vào bình quân mỗi tháng trong 8 tháng trước đó.
Ngày 12/9, trao đổi với PV Tiền Phong, một đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, ngành Ngân hàng sẵn sàng “mở cửa” nới tín dụng lên tới 21% nhưng không có chuyện nới điều kiện ồ ạt dễ dàng. “Vấn đề còn ở chỗ nền kinh tế có hấp thụ được nữa hay không chứ chắc chắn không có chuyện ngân hàng nới điều kiện cho vay dễ dàng mà bỏ qua những quy định”, vị này cho biết. Trước những quan ngại mà IMF và WB lên tiếng cảnh báo như vốn ưu đãi chủ yếu tập trung cho khối DNNN, đại diện NHNN cho rằng trên thực tế, báo cáo từ các ngân hàng thương mại đổ về cũng cho thấy, khối nhà băng đặc biệt các ngân hàng cổ phần đang rất ưu ái các doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Nhiều ngân hàng đã dành hàng ngàn tỷ đồng cho vay khối doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, việc vay vốn được tập trung vào một số lĩnh vực ngắn hạn, vòng quay vốn nhanh”, vị này nói.
Cập nhật bức tranh tín dụng cho thấy, hiện một loạt các ngân hàng cổ phần như MB, Techcombank, Sacombank… đều đang rốt ráo tung vốn cho vay thương mại. Một lãnh đạo ngân hàng cổ phần cho biết, muốn tín dụng tăng tốc nhanh và đảm bảo an toàn, hơn cả là cho vay ngắn hạn kinh doanh thương mại.
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ cuối tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, phấn đấu tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động hướng dẫn, phối hợp các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện các thủ tục theo quy định, thúc đẩy giải ngân số vốn được giao; kiểm điểm, xác định rõ nguyên nhân gây chậm trễ trong quá trình phân bổ vốn kế hoạch thời gian qua để rút kinh nghiệm làm tốt hơn trong thời gian tới.