Tăng theo tiền lệ

Tăng theo tiền lệ
TP - Mùng 7 tết. Ăn tô phở ở Hà Nội, bị “chém nhẹ” 50.000 đồng. Gửi xe máy, đưa tờ 20.000 đồng, anh giữ xe điềm nhiên trả lại… 10.000 đồng.

> Đi lễ bị móc túi và 'chặt chém'

Qua rằm tháng giêng. Gửi xe vào chợ ở TPHCM, bác già nhắc khéo: “Bây giờ là năm ngàn đồng, không còn ba ngàn như trước đâu con”.

Đã thành lệ, cứ tết ra thì đâu đâu cũng coi đây là dịp tăng giá, từ ly cà phê, tô phở, miếng thịt, con cá mớ rau đến đánh giày, taxi… Nhưng năm nay khác: tết đã qua cả hơn nửa tháng nhưng giá vẫn chưa chịu xuống dù hầu bao của đa số người dân đã lép đi.

Những tưởng chỉ những món hàng, dịch vụ “cò con” mới tăng giá, những tưởng chỉ những chị tiểu thương, anh hàng phở hay ông giữ xe máy mới tăng giá, nhưng ngay từ đầu năm, các công ty gas, hãng sữa quốc nội và liên doanh cũng loan báo những mức tăng chóng mặt: gas tăng trên dưới 10%, sữa tăng từ 5 đến xấp xỉ 20%.

Xã hội, người tiêu dùng đang đòi hỏi cơ quan quản lý giá có biện pháp điều tiết. Không thể chấp nhận các hãng sữa làm mưa làm gió, tăng giá 10-20% các dòng sản phẩm mà chỉ nói gọn lỏn một câu “do công thức mới”.

Câu chuyện giá gas tăng trên 40 ngàn đồng/bình còn cho thấy vấn đề trong công tác quản lý, điều hành của cơ quan chức năng. Đành rằng giá gas trong nước theo giá thế giới nhưng sao cứ phải chọn thời điểm nhạy cảm là tết để áp dụng mức tăng thuế mới (từ 2% lên 5%) để rồi một số doanh nghiệp lấy đó làm cái cớ tăng giá bán?

Trong bối cảnh nhà nhà tăng giá, bác giữ xe có thu thêm 2 ngàn đồng/xe máy, anh đánh giày có thu thêm 5 ngàn đồng/đôi giày thì cũng chẳng vì thế mà giàu lên được vì bà bán trà đá hay anh hàng cơm… cũng chẳng dại gì mà không tăng giá, vậy là hòa cả làng!

Đáng lo nhất là những người làm công ăn lương, những người nghèo, chả có gì mà tăng giá cả, trong khi nguy cơ hình thành một mặt bằng giá mới là nhãn tiền và xa hơn nữa, là nỗi lo lạm phát.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG