Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, nhiều ý kiến đề nghị không tổ chức thêm kỳ họp chuyên đề như đề nghị của Chính phủ bởi lo ngại các kỳ họp quá dày khiến “chất lượng làm luật khó đảm bảo”. Ngoài ra, việc tổ chức thêm một kỳ họp có thể ảnh hưởng đến việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp và các hoạt động khác.
“Nếu tổ chức một kỳ họp chuyên đề cũng chỉ xem xét, thông qua được nhiều hơn 4 dự án so với việc không tổ chức thêm kỳ họp chuyên đề. Mặt khác, xét về yếu tố chi phí, việc tổ chức thêm một kỳ họp sẽ kéo theo nhiều chi phí, nhất là chi phí đi lại của đại biểu”, ông Lý nói.
Dự kiến, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của quốc hội năm 2015 gồm 41 dự án luật, 2 dự án pháp lệnh quan trọng: Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Bộ luật dân sự (sửa đổi) (lần 2), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội (sửa đổi), Luật Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân... Với chương trình này, Ủy ban Pháp luật đề nghị kéo dài kỳ họp thường lệ của Quốc hội để có thể cho ý kiến, thông qua được nhiều dự án hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, nên kéo dài kỳ họp, còn nếu tổ chức thêm một kỳ họp thì sẽ “rất mệt mỏi”.
Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, Ủy ban Pháp luật đề nghị, cần ưu tiên các dự án triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó tiếp tục khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án về tổ chức bộ máy nhà nước, các dự án quy định về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa lưu ý, những dự án luật liên quan lĩnh vực bảo đảm quyền con người, quyền công dân cần phải được quan tâm đặc biệt.