Người dân được dự các phiên họp Quốc hội?

Người dân được dự các phiên họp Quốc hội?
TPO - Ngày 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội, nêu một điểm mới  là “Công dân có thể được tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội”.

Một số đại biểu, công dân chỉ có thể dự khán, quan sát, theo dõi phiên họp của Quốc hội, chứ không tham dự, nhằm đảm bảo các phiên họp diễn ra trật tự, chất lượng.

Bên cạnh nội dung trên, dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội cũng có nhiều điểm mới đáng chú ý khác, như bổ sung một điều mới cụ thể hóa thẩm quyền trưng cầu ý dân của Quốc hội.

Theo đó, khi xét thấy cần thiết, Quốc hội quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về Hiến pháp, về việc phê chuẩn, quyết định gia nhập, chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế quan trọng hoặc về những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị quy định trong luật chức danh Tổng thư ký Quốc hội, thay thế đoàn thư ký kỳ họp hiện nay.

Theo đó, Tổng thư ký Quốc hội chịu trách nhiệm phát hành thông cáo về nội dung phiên họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động khác của Quốc hội; tổ chức công tác thông tin báo chí tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Về nội dung “Tổng thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội", có ý kiến đề nghị quy định cụ thể Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, là thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Mô hình này cũng tương tự mô hình tổ chức bộ máy giúp việc nghị viện của nhiều nước trên thế giới.

Theo Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Đức Hiền, quy định Tổng thư ký là mới nhưng nội hàm chưa có gì cả, cần phải xem xét thêm.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, mô hình này đã có từ trước, nay là tái lập. Đây chính là hòa nhập sâu với thế giới. Mô hình này là chung của thế giới, còn nội hàm thì mỗi nước khác nhau.

Một nội dung khác được các đại biểu góp ý là số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách. Có ý kiến đề nghị tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội, ý kiến khác đề nghị số lượng đại biểu chuyên trách ít nhất 45% hoặc 50%.

Tuy nhiên, để hài hòa giữa chủ trương tăng số lượng đại biểu chuyên trách và yêu cầu bảo đảm chất lượng, cũng như khả năng tổ chức, bố trí nhân sự, Ban soạn thảo xin giữ nguyên quy định “số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất 35% tổng số đại biểu Quốc hội” như tại Điều 110 của Dự thảo.

Xung quanh nội dung Đoàn đại biểu Quốc hội, theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội hiện hành, Đoàn đại biểu Quốc hội không phải cơ quan của Quốc hội mà chỉ là hình thức phối hợp hoạt động của các đại biểu Quốc hội được bầu trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nhiệm vụ đại biểu, đặc biệt là trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội có trụ sở, Văn phòng giúp việc và có kinh phí hoạt động theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Liên quan tổ chức của Quốc hội, dự luật xác định tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người, đồng thời quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó, có thể phấn đấu tăng lên 50% trong một số nhiệm kỳ tới.

MỚI - NÓNG