Theo đó, về mức trần học phí, với bậc mầm non, tiểu học trong năm học 2016-2017 sẽ là 3,9 triệu đồng; với bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông là 4,1 triệu đồng. Nhưng kể từ năm học 2017-2018 đến 2019-2020, mức trần này sẽ tăng 400.000 đồng mỗi năm.
Như vậy, ở bậc mầm non, tiểu học, mức trần từ năm học tới là 3,9 triệu đồng và đến năm học 2019-2020 sẽ là 5,1 triệu đồng; Ở bậc trung học phổ thông, trung học cơ sở, mức trần cho năm học tới là 4,1 triệu đồng và đến năm học 2019-2020 là 5,3 triệu đồng.
Mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao được áp dụng từ năm học 2016-2017 đến hết năm học 2019-2020, được điều chỉnh từ năm học 2020-2021 cùng với việc xây dưng định mức phân bổ ngân sách và thời kì ổn định ngân sách theo quy định.
Về cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, HĐND Thành phố cho phép các cơ sở này được nhà nước cấp kinh phí trong 3 năm kể từ khi được công nhận theo lộ trình giảm dần.
Trong năm đầu, các trường được cấp kinh phí chi thường xuyên theo định mức như các cơ sở giáo dục công lập cùng cấp học giảng dạy theo chương trình giáo dục đại trà; Năm thứ hai, năm thứ ba được cấp kinh phí chi tiền lương, các khoản phụ cấp và các khoản đóng góp theo mức lương cơ sở hiện hành cho số biên chế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Kết thúc 3 năm, các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên.
Hà Nội hiện có 13 trường chất lượng cao, trong đó có 8 trường công lập, 5 trường ngoài công lập. Trong số này, mới có 2 trường áp dụng mức thu học phí đạt trần theo quy định tại Nghị quyết số 15 (Mầm non 20-10, THPT Phan Huy Chú - Đống Đa), 6 trường còn lại có mức thu học phí đạt từ 53% (Tiểu học Nam Từ Liêm) đến 83% mức trần (Tiểu học đô thị Sài Đồng).
Hà Nội đang phấn đấu giai đoạn 2016-2020 đầu tư xây dựng thêm 20 trường công lập chất lượng cao.
Mức trần học phí mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2017.