Ông Phạm Kiến Nghiệp, Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam bảo vệ quan điểm không tăng thuế TTĐB thuốc lá vì những lợi ích của ngành công nghiệp thuốc lá vào ngân sách, giải quyết công ăn việc làm… đã gây tranh cãi, thậm chí phản ứng mạnh của đại diện Bộ Y tế và các tổ chức bảo vệ sức khỏe.
Quan điểm của ông Nghiệp được các doanh nghiệp sản xuất trong nước hoặc nước ngoài như Inperial Tobacco, Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn ủng hộ.
Bà Phạm Hoàng Anh, đại diện tổ chức HealthBridge, Canada tại Việt Nam phản đối quan điểm của ông Nghiệp.
Theo bà, hiện Việt Nam có tới 16 triệu người hút thuốc lá, đứng thứ 15 thế giới, một thứ hạng không đáng tự hào. Cứ 2 nam giới có một người hút thuốc. Số người hút thuốc đang có xu hướng tăng với tuổi đời ngày càng trẻ hơn. Bà cũng đồng ý ngành công nghiệp có đóng góp cho ngân sách, nhưng không bù đắp được mức thiệt hại do hậu quả của việc hút thuốc gây ra. Do vậy bà đồng ý dự thảo tăng thuế của Bộ Tài chính.
Quan điểm tăng thuế để giảm khả năng tiếp cận của người trẻ, người nghèo đồng thời ngân sách có thêm nguồn thu cũng được bà Phan Thị Hải đến từ Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế. Ngoại trừ doanh nghiệp thuốc lá, các ý kiến còn lại đồng tình tăng mạnh thuế TTĐB rượu, bia, thuốc lá.
Theo ông Đào Thế Sơn, đại diện Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, đề xuất lộ trình tăng thuế TTĐB thuốc lá bắt đầu từ năm 2015 tăng 105%; năm 2018: 145% và năm 2020: 155%. Đề xuất của đại diện Bộ Y tế khiến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc lá ngỡ ngàng, vì quá cao so với dự thảo.
Cuối cùng, đại diện Bộ Công Thương, bà Trương Thị Thu Hà, Vụ Công nghiệp nhẹ, cho rằng cần tăng thuế TTĐB với rượu, bia, thuốc lá nhưng không tăng thuế đối với thuốc lá trong năm 2015 để doanh nghiệp có thời gian thích ứng.