Tang lễ sơ sài vì quá nhiều thi thể

Thành viên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chôn nạn nhân động đất, sóng thần tại tỉnh Miyagi Ảnh: Kyodo
Thành viên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chôn nạn nhân động đất, sóng thần tại tỉnh Miyagi Ảnh: Kyodo
TP - Lễ chôn cất cháu gái và con rể của bà Chieko Mori không hề giống nghi lễ truyền thống linh thiêng của người Nhật, khi hai người được đặt trong áo quan bằng gỗ đơn giản, rồi được vài người lính đặt xuống hố chôn tập thể cùng nhiều thi thể khác.

>> Toàn cảnh vụ động đất gây sóng thần tấn công Nhật Bản

Thành viên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chôn nạn nhân động đất, sóng thần tại tỉnh Miyagi Ảnh: Kyodo
Thành viên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chôn nạn nhân động đất, sóng thần tại tỉnh Miyagi. Ảnh: Kyodo.

Lễ chôn cất cháu gái và con rể của bà Chieko Mori không hề giống nghi lễ truyền thống linh thiêng của người Nhật, khi hai người được đặt trong áo quan bằng gỗ đơn giản, rồi được vài người lính đặt xuống hố chôn tập thể cùng nhiều thi thể khác.

Một lễ tang không theo nghi thức nào như thế là điều không bao giờ người dân nơi đây nghĩ tới trong hoàn cảnh bình thường. Nhưng hậu quả của trận động đất và sóng thần hôm 11-3 là hàng nghìn xác chết bị dồn lại trong những nhà xác tạm thời, khiến chính quyền địa phương không còn cách nào khác là phải chôn cất họ trong những ngôi mộ tập thể được chuẩn bị vội vàng.

Ở Nhật Bản, lễ tang thường được cử hành cực kỳ tỉ mỉ và trang trọng theo nghi thức đạo Phật. Khi đó, thi thể được tắm rửa cẩn thận, thay quần áo mới để hỏa thiêu, rồi tro được đặt vào mộ gia đình. Vì thế, mồ chôn tập thể được đào bằng máy móc và thiếu chuẩn bị là điều không thể chịu đựng được đối với nhiều gia đình, một thảm kịch cho cả người sống lẫn người quá cố.

Từ khi thảm kịch xảy ra, bà Mori vẫn bị sốc nặng nên không mấy khi đáp lạ khi người khác nói chuyện với mình. Chị gái của bà là Tomiko Sato đến dự lễ tang và an ủi Mori trước mất mát quá lớn này. "Chúng tôi được thông báo rằng, họ không có đủ nguồn lực, và nếu chúng tôi muốn một lễ hỏa táng tử tế thì có thể tự mang xác người thân tới Yamagata", bà Sato nói.

Việc đưa thi thể người thân tới nơi cách đó tới 80km trong điều kiện thiếu xăng dầu hiện là điều không đơn giản. "Nhưng đây chỉ là ngôi mộ tạm thời, chính phủ nói rằng, họ sẽ hỏa táng những thi thể đó trong 2 năm tới, khi đó chúng tôi có thể chuyển họ tới mộ gia đình", bà Sato nói.

Lễ tang hôm 26-7 là lễ tang tập thể đầu tiên ở Yamanoto, một thị trấn có 16.700 người thiệt mạng và mất tích. 11 quan tài làm bằng gỗ dán giống hệt nhau vừa được chôn, và chính quyền địa phương có kế hoạch đưa 400 người chết khác tạm thời yên nghỉ trong những ngày tới.

Một vị sư đã xin lỗi về điều kiện mà người chết phải chịu đựng trước khi tụng kinh và khấn. Họ hàng của người đã khuất dán mắt vào nắp quan tài, đặt những túi chứa đồ dùng cá nhân của người chết vào trong và khóc nức lên khi những nhân viên đeo găng tay trắng mang quan tài đi.

Đối với bà Sato, việc tìm thấy thi thể người thân đã là điều may mắn. Bà phải vay gas để chạy xe tới khắp các trung tâm sơ tán trong suốt 2 tuần để tìm người thân. Họ là những nông dân trồng dâu tây ở khu vực bờ biển, nơi nhiều ngôi nhà bị xóa sổ bởi thiên tai. Cháu gái của bà tên là Honoka, học sinh cấp 2, được tìm thấy chết trong tình trạng không ai có thể nhận ra.

"Honoka không mặc đồng phục, nhưng cô giáo nó đã liên hệ với bạn trai nó nên biết rằng Honoka đeo một chiếc vòng cổ và vòng tay. Khi được tìm thấy, Honoka đang đeo cả hai cái đó" bà Sato kể. Lần cuối cùng cả gia đình bà Mori đông đủ là hồi đầu tháng 12-2010 với bữa tiệc sushi tổ chức tại ngôi nhà mà hiện nay không còn nữa.

Con số thiệt mạng vì động đất và sóng thần ở Nhật Bản đến nay vượt qua con số 10.800, trong khi hơn 16.200 người vẫn bị coi là mất tích.

Minh Long
Theo AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG