Hiện nay, tại một số huyện ngoại thành Hà Nội, lượng rác thải, chất thải phát sinh rất lớn, tuy nhiên việc xử lý rác chưa được triệt để.
Nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế rác thải di chuyển qua khu dân cư trước khi được xử lý, thành phố Hà Nội có kế hoạch xây dựng nhiều khu xử lý chất thải tại các huyện ngoại thành như Phú Xuyên, Đông Anh, Chương Mỹ, Thạch Thất, Mỹ Đức, Ba Vì.
Đặc biệt, vào cuối năm 2015 đầu năm 2016, nhà máy xử lý rác sinh hoạt có công suất khoảng 500 tấn/ngày, với nguồn vốn hơn 200 tỷ đồng xã hội hóa, dự kiến đi vào hoạt động tại xã Châu Can, huyện Phú Xuyên sẽ góp phần xử lý rác thải thuận lợi hơn cho các huyện phía Nam thành phố.
Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết theo quy hoạch của Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải rắn tập trung; trong đó 8 khu hiện có được nâng cấp, 9 khu được đầu tư mới, cùng 5 trạm chung chuyển chất thải rắn. Khi đó, tại 4 phía ở Hà Nội đều có nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý rác.
Ông Vũ Hồng Khanh cũng cho biết nguồn rác thải từ nông thôn rất lớn, vì thế thành phố đang khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức tham gia xử lý chất thải, rác thải bằng công nghệ cao, tạo ra nguồn năng lượng phục vụ cuộc sống, bảo vệ môi trường, hạ giá thành chi phí xử lý rác.
Hiện tổng khối lượng rác ở Hà Nội trong một ngày là khoảng 5.400 tấn. Dự báo đến năm 2020, khối lượng chất thải sinh hoạt phải xử lý là 8.500 tấn/ ngày, đến năm 2030 là 11.300 tấn/ngày.
Lượng rác thải ngày càng lớn, tuy nhiên công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt hiện nay ở thành phố Hà Nội chủ yếu vẫn là chôn lấp hợp vệ sinh, chiếm từ 70-80% lượng rác.