Kết luận của ban chấp hành T.Ư Đoàn cho rằng, những năm qua Đoàn thanh niên đã định hướng hoạt động, phân công cán bộ, tạo điều kiện cho Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức thanh niên phát triển, góp phần mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn trong các tổ chức Hội vẫn thể hiện nhiều bất cập, hạn chế. Cán bộ Đoàn chưa nhận thức được trách nhiệm, chưa có nội dung hoạt động mới, hoạt động của Hội chồng chéo hoạt động Đoàn, hay chưa đáp ứng nhu cầu của thanh niên.
Hội nghị đưa ra nhóm 6 giải pháp đề cập vấn đề Đoàn cần đổi mới, nâng cao nhận thức cán bộ, đoàn viên, cử cán bộ giỏi hiệp thương giữ các vị trí chủ chốt trong các tổ chức Hội, tham mưu cơ chế, chính sách… để lấy ý kiến đóng góp của đại biểu.
Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều năm nay hoạt động Hội LHTN cấp tỉnh, T.Ư rất tốt nhưng ở cơ sở lại hoạt động èo uột, mang tính thời vụ. Thậm chí, nhiều nơi không có hội viên trong tổ chức. Việc mở rộng, tăng cường, tập hợp, thu hút ĐVTN vào các tổ chức Đoàn, Hội là việc không mới.
Từ trước đến nay, các tỉnh, thành Đoàn và cấp cơ sở đã triển khai nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Bí thư tỉnh Đoàn Hải Dương Hoàng Quốc Thưởng cho rằng, “ở cấp xã, các Bí thư, Phó Bí thư chi đoàn làm Chủ tịch Hội nhưng hoạt động yếu. Đi kiểm tra thì họ báo cáo chắt chỗ nọ, chỗ kia đắp vào.
Thậm chí việc cử đại biểu có chất lượng tham dự đại hội của Hội các cấp cũng khó khăn nên nhiều khi đại biểu rơi vào tình trạng làm một bài tham luận phải sửa lên sửa xuống hay dự đại hội chỉ ngồi nghe chủ tịch nói”, anh Thưởng nói.
Chị Phạm Thị Phương Chi, Trưởng ban Quốc tế (T.Ư Đoàn) thẳng thắn, hoạt động của tổ chức Hội chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, năng lực cán bộ cũng hạn chế.
“Chúng ta cũng phải nghi ngờ con số 10 triệu hội viên trên báo cáo. Bởi vì, khi tôi hỏi hầu hết sinh viên 5 tốt, sinh viên ưu tú hẳn hoi nhiều bạn không biết đến tổ chức Hội LHTN làm gì, hoạt động ra sao?”, chị Chi nói.
Hầu hết đại biểu đóng góp ý kiến việc T.Ư Đoàn ban hành kết luận tăng cường vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn trong giai đoạn hiện nay là hợp lý. Bởi năm nay là năm diễn ra đại hội các cấp Hội LHTN Việt Nam, các tổ chức thanh niên tự phát cũng tăng trưởng mạnh mẽ.
Anh Nguyễn Xuân Hùng, Bí thư tỉnh Đoàn Hà Tĩnh cho rằng, vai trò nòng cốt của Đoàn cần thể hiện rõ trong công tác cán bộ, tham mưu tháo gỡ khó khăn cũng như tham mưu cơ chế chính sách, hoạt động của tổ chức Hội.
Bí thư tỉnh Đoàn Quảng Ninh Hoàng Bá Nam cho rằng, cần phải đặt ra câu hỏi, tìm giải pháp khi chúng ta có tổ chức Đoàn, Hội nhưng thanh niên vẫn thành lập các CLB, tổ, đội, nhóm và hoạt động tự phát? Phải chăng hoạt động của họ hấp dẫn hơn, đúng với sở trường, nhu cầu thực tế của họ hơn, anh Nam nói.
Kết luận hội nghị, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh đánh giá, các ý kiến đều phản ánh đúng thực tiễn. Anh Vinh cho rằng, việc đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn, làm sao để hoạt động Hội rộng hơn, tốt hơn.
Trong đó, anh Vinh nhấn mạnh giải pháp tăng cường nhận thức cán bộ đoàn về vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn bởi ở nhiều nơi hoạt động yếu vì nhận thức cán bộ Đoàn kém.
Hội nghị cũng đã đề cập một phần giải pháp phát triển tài năng trẻ. Trên thực tế, tổ chức Đoàn, Hội hiện nay mới chỉ làm tốt phần phát hiện, tôn vinh tài năng trẻ.
Các tỉnh, thành Đoàn hay cấp T.Ư hàng năm đều có các trình tôn vinh tài năng trẻ, tôn vinh hàng nghìn tài năng trên nhiều lĩnh vực như: Tuyên dương Thợ trẻ giỏi, 10 gương mặt tiêu biểu Thủ đô, Giải thưởng Lương Định Của…
Tuy nhiên, sau khi tuyên dương, cácchương tài năng trẻ chưa có nhiều đóng góp trở lại cho các tổ chức Đoàn, Hội. Điều này, một phần do công tác kết nối, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ của Đoàn còn yếu kém.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có phương pháp tập hợp, kết nối để công tác tài năng trẻ trở thành nội dung quan trọng, thường xuyên, trong đó Đoàn làm vai trò dẫn dắt, đồng hành và định hướng.