Tăng cường phòng dịch tại các khu trọ công nhân

0:00 / 0:00
0:00
Một khu nhà trọ tuyên truyền “5K” ngay ở cửa ra vào
Một khu nhà trọ tuyên truyền “5K” ngay ở cửa ra vào
TP - Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TPHCM và các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương… có hàng triệu người lao động sống trong các khu nhà trọ công nhân. Do các khu này thường chật chội, đông đúc, điều kiện vệ sinh còn nhiều hạn chế… nên nguy cơ lan truyền dịch bệnh COVID-19 tại đây rất cao.

"Các khu nhà trọ, nhà lưu trú công nhân là nơi có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao, nên việc phòng chống dịch vô cùng cấp thiết”, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, nhận định.

Về phòng là đóng cửa

Khu nhà trọ trên đường APĐ 09 (thuộc KP1, phường An Phú Đông, quận 12, TPHCM) có gần 50 phòng, mỗi phòng thường có 2-3 người ở, chủ yếu là sinh viên và công nhân. Ngay cửa ra vào, chủ trọ dán tờ rơi tuyên truyền “5K” của Bộ Y tế.

Anh Trần Nhật Linh, ở trọ cùng em gái, nói: “Phòng nào cho sinh viên thuê thì gần tháng nay hầu hết các bạn về quê do nghỉ học. Những phòng còn lại thì mọi người đi làm về là vào phòng, đóng cửa, ít giao tiếp như lúc trước do ai cũng lo sợ dịch bệnh. Chủ nhà trọ ngoài việc tuyên truyền phòng dịch cũng thường xuyên khuyến cáo các phòng hạn chế dẫn người lạ về cũng như hạn chế tụ tập nói chuyện, ăn nhậu…”.

Nhiều khu nhà trọ quanh khu vực này cũng có ít người tụ tập nói chuyện. Đa số phòng đều đóng cửa. Nhiều người khi ra đường đều đeo khẩu trang.

Khu nhà trọ của ông Mai Huy Vụ (ấp 3, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) có 46 phòng được xây dựng trên khu đất rộng. Ngoài tiện ích cần thiết, nhiều tháng nay ông Vụ trang bị thêm bảng quy định phòng chống COVID-19.

Ông Vụ cho biết, thời điểm phòng, chống dịch COVID-19, dãy nhà trọ của ông vắng lặng hẳn. Nhiều sinh viên được nghỉ học nên đã về quê. Người lao động ở trọ sau giờ làm việc không còn tập trung để vui chơi, xem phim; họ tự giác đóng cửa, hạn chế tụ tập, tiếp xúc.

Phường Long Bình (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) có hơn 100.000 công nhân. Ông Nguyễn Quý Vương, Chủ tịch UBND phường Long Bình, cho biết, ý thức được việc phòng chống dịch, ngay từ trước Tết, đa số công nhân không về quê. Chính quyền địa phương đã vận động cư dân không tổ chức các hoạt động hiếu hỉ, các chủ nhà trọ cam kết không để người ở trọ tập trung đông người.

Nâng mức cảnh báo cao nhất

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết, Bình Dương có hơn 1,2 triệu công nhân, trong đó 80% đến từ tỉnh ngoài. Bình Dương đã nâng mức cảnh báo cao nhất tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp riêng lẻ. Từ sau Tết, khi công nhân trở lại Bình Dương làm việc, địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng, đặc biệt tại 29 khu công nghiệp, các khu nhà trọ công nhân.

“Bình Dương khuyến khích người dân ghi chép lại lịch trình di chuyển nếu rời khỏi địa bàn. Khuyến khích người dân tố giác các trường hợp nghi ngờ liên quan tới dịch bệnh, nhập cảnh trái phép, các trường hợp đang thực hiện cách ly tại nhà nhưng không chấp hành đúng quy định về cách ly”.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp Bình Dương, cho biết, Công đoàn doanh nghiệp trên địa bàn lập nhóm Zalo để nhận thông báo về tình hình dịch bệnh. Công nhân được hướng dẫn phòng dịch tại doanh nghiệp và tại khu nhà trọ đang ở.

Ông Nguyễn Tiến Dương, chủ khu nhà trọ công nhân 1.000 căn ở thị xã Tân Uyên, Bình Dương, nói: “Công nhân ở trọ đều có điện thoại thông minh nên đã lập nhóm Zalo chung. Qua đó, chúng tôi thông báo tình hình dịch bệnh và thường xuyên nhắc nhở mọi người hạn chế tiếp xúc với nhau. Ai cũng sợ bị nghỉ việc, cách ly nên chấp hành rất tốt”.

Bà Nguyễn Thị Minh Châu, chủ khu trọ công nhân ở thành phố Thủ Dầu Một, cho biết, công an địa phương kết nối Zalo với chủ các khu nhà trọ trên địa bàn tạo thành nhóm chung. Khi có ca nghi nhiễm hoặc trường hợp liên quan, mọi người đều được thông báo để truy vết. “Ngay khi nhận được thông tin từ công an, dù liên quan khu vực hay không, tôi cũng truyền lại cho người ở trọ nắm để cảnh giác”, bà Châu kể.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.