84% người dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh
Chương trình quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NSVSMTNT) là một trong những chương trình mang tính xã hội rất cao, vừa góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe cho người dân nông thôn, vừa góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu của quốc gia, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc, vùng nghèo, vùng sâu vùng xa. Mục tiêu của chương trình đã được Chính phủ Việt Nam cam kết với cộng đồng quốc tế.
Với tầm quan trọng như vậy thì ngay từ năm 2000, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020 và hiện nay Bộ NN&PTNT đang rà soát, cập nhật Chiến lược đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Hàng năm Chính phủ cũng quyết định các chương trình mục tiêu quốc gia trong từng giai đoạn. Các chương trình mục tiêu quốc gia đã thực sự là công cụ để thực hiện chiến lược quốc gia về NSVSMTNT đã được Chính phủ phê duyệt.
Kết quả thực hiện của Chương trình những năm qua đã cho thấy ước thực hiện đến năm 2014 đã có khoảng 84% người dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh. Trong đó, nước đạt chuẩn chiếm trên 42%. Ngoài ra khoảng 63% hộ gia đình đã có nhà tiêu hợp vệ sinh. Các mục tiêu khác về cấp nước hợp vệ sinh cho trường học và trạm y tế đã đạt trên 90%. Riêng mục tiêu về cấp nước và vệ sinh trường học đến nay về tổng thể đã đạt 94%.
Quan tâm đầu tư cho các điểm trường
Mặc dù về tổng thể, số lượng các trường học được cấp nước hợp vệ sinh ngày càng tăng nhanh nhưng theo bà Hạ Thanh Hằng, việc đưa nước hợp vệ sinh, nước đạt tiêu chuẩn đến các điểm trường vẫn còn là một thách thức. Nguyên nhân là tại các tỉnh miền núi phía Bắc, vùng sâu vùng xa, vùng Tây Nguyên hiện nay do địa hình khó khăn, hiểm trở; người đồng bào dân tộc sống không tập trung, đi lại khó khăn nên vẫn phải duy trì các điểm trường. Do việc đầu tư xây dựng cơ bản cho các điểm trường còn rất hạn chế cho nên việc cung cấp nước sạch cũng rất khó khăn. Theo báo cáo từ Bộ GD&ĐT thì tỷ lệ này mới đạt khoảng hơn 40%.
Mặc dù về tổng thể, số lượng các trường học được cấp nước hợp vệ sinh ngày càng tăng nhanh nhưng việc đưa nước hợp vệ sinh, nước đạt tiêu chuẩn đến các điểm trường vẫn còn là một thách thức.
Bà Hạ Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý nguồn nước và nước sạch nông thôn, Bộ NN&PTNT
“Kết quả đạt được của Chương trình so với mục tiêu của Chính phủ phê duyệt đến năm 2015 chúng tôi sơ bộ đánh giá có thể đạt được. Tuy nhiên cũng còn có những mục tiêu phải nỗ lực rất cao mới có thể hoàn thành. Một là mục tiêu cấp nước và vệ sinh trong trường học, trong các điểm trường. Hai là nước đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế là những vấn đề mà chúng tôi cho rằng phải rất nỗ lực để hoàn thành”, bà Hạ Thanh Hằng nói.
Một khó khăn thách thức nữa trong chương trình này đó là một số tỷ lệ đạt cao nhưng trong đánh giá giữa các vùng miền có sự chênh lệch, không đều. Nhất là khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, nơi có các xã thuộc diện vùng sâu vùng xa tỷ lệ đạt các chỉ tiêu còn thấp so với mặt bằng chung toàn quốc.
Tại đây đang cần sự chỉ đạo, nỗ lực của các bộ ngành trung ương, các tỉnh thành. Bà Hạ Thanh Hằng khẳng định, Chương trình đặc biệt quan tâm đến việc cấp nước, vệ sinh trong trường học vì tại đây vừa tác động đến sức khỏe thể chất của trẻ em, đồng thời trường học cũng là nơi giáo dục và nâng cao nhận thức. Từ đó các em học sinh có thể trở thành những người tuyên truyền về sử dụng NSVSMT tới gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh đó cũng đã có nhiều điểm sáng như tại Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều tỉnh đã sử dụng các nguồn vốn địa phương, nguồn thu từ xổ số khá lớn tham gia đầu tư cho chương trình để đảm bảo yêu cầu cấp nước và vệ sinh trường học. Nhận thức của các địa phương về vấn đề này đã được nâng lên.
Bộ GD&ĐT đã thực hiện khá thành công vai trò của mình trong Chương trình. Hệ thống các cơ quan trong toàn ngành giáo dục đào tạo đã tham gia rất tích cực và mang lại hiệu quả cao.