Các bức tranh khắc đá cổ xưa rất độc đáo, có tuổi đời từ 8.000 đến 12.000 năm trước, nằm trong 3 khu vực khác nhau của dãy Altai là Bayan – Ulgii, Tsagaan Salaa – Baga Soum và Tsagaan Gol, đều thuộc địa phận Mông Cổ.
Các khu vực này đều nằm trong các thung lũng cao tách khỏi dòng sông băng bên dưới, là địa điểm cư trú của người tiền sử từ cách đây hàng vạn năm.
Các bức tranh khắc trên đá được tìm thấy ở nơi đây đều tập trung mô tả cuộc sống hàng ngày của người nguyên thủy trên nhiều khía cạnh khác nhau.
Những bức tranh cổ xưa nhất thường miêu tả cảnh săn bắt, hái lượm…
Những bức tranh của thời kỳ sau cho thấy sự thuần hóa các loài vật và chuyển đổi sang đời sống chăn nuôi gia súc.
Đây là minh chứng sống động cho sự chuyển hóa đời sống của người tiền sử từ "ăn lông ở lổ" sang mô hình sản xuất theo lối du canh du cư đặc trưng của khu vực Trung Á.
Các bức tranh cũng là một bản ghi nhớ bằng hình ảnh rất đầy đủ về lịch sử của cư dân khu vực giao điểm giữa miền Trung và Bắc Á.
Ngoài ra, chúng còn cho các nhà khoa học biết về những động vật đã từng sống trong khu vực dãy Altai như voi ma mút, đà điểu, tê giác, voi, hổ...
UNESCO đã công nhận tranh khắc đá trên dãy Altai của Mông Cổ là Di sản văn hóa thế giới từ năm 2011.