Vào những ngày cuối năm, nhận thấy thời tiết miền Bắc có nhiều biến đổi thất thường, ông Lê Hàm - chủ vườn đào thất thốn (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) đã dựng nhà tôn, lắp điều hòa hai chiều để điều chỉnh, đảm bảo cho hoa đúng dịp Tết Kỷ Hợi 2019.
Năm nay, vườn của ông Hàm có khoảng hơn 100 cây đào thất thốn, đến thời điểm hiện tại số lượng khách hàng tới đặt mua để chơi Tết ngày một tăng.
Ông Hàm chia sẻ, đào thất thốn là loại đào cổ, hiếm và rất kén người chơi. Về nguồn gốc tên gọi, có người cho rằng thất thốn là 7 thốn, mỗi thốn tương đương với một đốt ngón tay. Khi cây phát triển đến 7 thốn thì lại chia cành một lần. Mỗi thốn cành cây có thể trổ tới 7 bông hoa.
Theo ông, khoảng thời gian 15 ngày cuối tháng 12 Âm lịch là thời điểm quan trọng nhất khi người trông đào phải dựa vào sự phát triển cây để có được cách chăm sóc thích hợp.
Hiện chủ vườn đào cổ đã dựng được 7 gian nhà kín để giúp đào "ngủ đông", với diện tích khoảng 35m2 - 40m2/căn.
Mỗi căn như vậy có thể chứa được hơn 10 gốc đào thất thốn.
Đào thất thốn không dùng kỹ thuật ghép mắt như những loại đào thông thường mà phải trồng từ bé. Để có thể nuôi dưỡng được cây đào hoàn chỉnh, hoa nở đúng dịp Tết, người trồng phải bỏ ra nhiều năm trời chăm sóc với những yêu cầu khắt khe. Vì vậy, một cây đào nhỏ, dáng thế đẹp đã có giá cho thuê lên đến 10 triệu đồng.
Điểm dễ nhận thấy từ giống đào này là nụ to, hoa nhiều cánh, màu hoa đậm và có độ bền lâu. “Chơi đào thất thốn sẽ hơi “sốt ruột” những khi hoa đã nở thì nhiều người lại thở phào nhẹ nhõm” – ông Hàm nói.
Đặc biệt, hoa đào thất thốn còn có thể bung nở ở giữa gốc, giữa thân cây xu xì giống củi khô.
Mỗi gốc đào thất thốn tại đây đều có tuổi đời từ 10 - 30 năm.
Trước Tết khoảng hai tuần, người chơi sẽ đến vườn đặt hàng và đánh dấu cây. Đến ngày hẹn, chủ vườn sẽ vận chuyển đào đến nhà và bài trí không gian phù hợp.