​Tản mạn World Cup: Cơ hội của fan

Ảnh chế các ngôi sao bóng đá về nước sớm tràn ngập trên mạng xã hội.
Ảnh chế các ngôi sao bóng đá về nước sớm tràn ngập trên mạng xã hội.
TP - Tan trận Ðan Mạch gặp Croatia, một fan tâm sự: “Nghĩ mới đầu hai đội sẽ đá chậm để thăm dò nên đi nấu mì ăn chống đói, lỡ mất hai bàn. 85 phút còn lại không dám đi vệ sinh thì chả bàn nào”. World Cup quả là cơ hội để fan bóng đá bộc lộ sự say mê và cả hài hước, thú vị.

1/Bên dưới bình luận kia, hàng loạt fan đồng cảm, kể nỗi khổ bỏ lỡ kỷ lục ghi bàn nhanh nhất lịch sử World Cup: giây 57 và phút thứ 4 của trận đấu. Có người lỡ vì bật ti vi muộn vài phút, nhiều người vì tranh thủ nấu mì, lục bánh trái để ăn đêm.

“Con ma tốc độ” Mbappe gây kinh hoàng trận Pháp gặp Argentina. Một fan nhận xét: “Thằng cu này đá phạt góc xong chạy đến trước gôn đánh đầu vẫn kịp vào!”

Cá cược thì thôi rồi, đầy chuyện pha trò hoặc có thật, đều buồn cười như nhau. Như trận Brazil- Bỉ, trên trang web vốn cập nhật từng phút các trận đấu, có người viết: “Thằng bạn bắt Brazil, đi vệ sinh 10 phút chưa thấy vào. Chắc phải ra cầu tìm”.

Khách sạn nọ có mốt lia ảnh to tướng cầu thủ yêu thích lên tường. Ronaldo rồi Messi lần lượt lên tường để rồi sớm tạm biệt giải đấu, khiến nhiều người lo cho Neymar. Cuối cùng cũng đến lượt anh dù muộn hơn. Một fan hóm hỉnh: “Ai bảo cho chúng vẽ tranh tường. Ảnh thờ đấy”.

Vô số ảnh chế, thoại chế về tình cảnh bi hài của các danh thủ, xem mà không nhịn được cười. Messi luôn buồn cười nhất với bộ đồ rất tẩm toái và nét mặt ngô nghê, trên những chiếc xe cà tàng hoặc ngồi bệt xem ti vi cùng các hảo thủ sớm “bật bãi”.

Bóng đá đỉnh cao là thế, luôn đem đến sự thú vị, thư giãn mà ngày thường khó có. Ðem đến sự đồng cảm, khiến người ta xích lại gần nhau vì tình yêu chung với trái bóng, cũng vì nhận ra sự hay ho bất ngờ của người khác.

2/Mấy kỳ World Cup liền tôi thờ ơ, phần vì thấy nét đẹp bóng đá phai nhạt, các đội đá khá giống nhau, cầu thủ thì không hấp dẫn như trước.

Từ thập kỷ 80, 90 thế kỷ trước, đội lớn nào cũng có người cho mình “mê” hoặc gần như thế. Nhớ cầu thủ trí thức nhất có bác sĩ nhi khoa Socrates của Brazil. Cực ấn tượng của tuyển Brazil qua các thời kỳ có Zico, Romario, Ronaldo, Rivaldo...

Trong một trận cầu hồi France 98 với sự dốc bóng của Bebeto, Ronaldo, Rivaldo, thủ thành đội thua sau đó mô tả với báo chí: “Thoạt tiên tôi phải đón pha lên bóng của một cầu thủ trị giá 28 triệu đô la, sau đó xuất hiện tiền đạo 30 triệu, cuối cùng là một người đàn ông 32 triệu. Thế thì tôi còn chống cự vào đâu!”. (Hồi đó 32 triệu đô là kịch giá, còn hiện nay: 222 triệu euro của Neymar).

Với Argentina, ai chả mê Kempes, Maradona, Caniggia, Redondo, Batistuta... Hà Lan thì oách nhất bộ ba khét tiếng Rijkaard, Gullit, Van Basten. (Gullit sexy nhất ).

Phe XHCN thì tự hào với: Dasayev, Blokhin, Boniek, Hagi, Stoichkov... Tuyển Ðức: Rummenigge, Klinsmann, Matthaus...

Nhớ Euro 1984 ở Pháp lăng xê “bộ tứ hình vuông huyền ảo” Platini, Giresse, Tigana, Fernandez. Và HLV tài năng Michel Hidalgo. Cho nên được đọc tít bài báo Pháp: Hai Michel, một cuộc đời. (Michel Hidalgo và cầu thủ con cưng- Michel Platini). Sau này sự thần tượng Zidane khiến dân Pháp  có phần “phụ bạc” người cũ Platini.

Ý thì không nói làm gì. Riêng “tóc đuôi ngựa thần thánh” Roberto Baggio đủ giải thích niềm đam mê bóng đá suốt mấy chục năm. So với Baggio thì hai Paolo tầm cỡ là Paolo Rossi và Paolo Maldini chưa là gì để mê. Cả người được ca ngợi đẹp trai sau này- Cannavaro, Del Piero cũng thế.

Bẵng đi ba kỳ World Cup không buồn xem. Ðể rồi may lần này trở lại, không hào hứng bằng trước nhưng không đến nỗi thất vọng. Không thật choáng ngợp trước ai nhưng có đủ sự hồi hộp, bất ngờ. Kịp chứng kiến màn trình diễn của các ngôi sao cuối chầu như Messi, lại nhìn ra nhân tố mới hẳn cũng sẽ tuyệt, như Mbappe. Về độ sexy, thì Neymar có thể đáp ứng.

Một tháng trời đảo lộn nhịp sinh học, thức đêm thức hôm. Ðọc báo đến nỗi bội thực thông tin. Cập nhật các mạng xã hội để cười một mình như dở hơi. Thấy mọi người đều trẻ trung hẳn lên, lại đam mê, có chính kiến... Nói World Cup là cơ hội làm ăn của các ông lớn, cơ hội quảng bá của nước chủ nhà, vô số cơ hội của các đơn vị cũng như cá nhân, và cả cơ hội của người hâm mộ, là như thế.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.