Tản mạn: Tiếng Việt ơi, tiếng Việt xót xa tình

Ảnh youtube. Thiết kế: : Nguyễn Cường.
Ảnh youtube. Thiết kế: : Nguyễn Cường.
TP - Có thể ai đó e dè nhưng bài “Tình ca” của Phạm Duy viết năm 1953, trong vùng tạm chiếm, vẫn được dàn dựng tươi roi rói, rực rỡ trong chương trình nhạc đỏ cách mạng Tự hào hằng tháng trên sóng truyền hình quốc gia. 

Bài “Tình ca” ấy hết mực da diết, nặng tình tiếng Việt, à ơi âm giai ngọt ngào dân ca, lại  được viết bằng bút pháp chuẩn nhạc lí phương Tây. 

Chẳng thế, công ty Sơn Ca dốc túi trăm triệu đồng, mua chọn tá nốt nhạc mở đầu “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi” làm nhạc hiệu  điện thoại di động thời thượng. Lời khẳm. Quãng  tám mở đầu ấy làm toát lên trọn vẹn thang âm ngũ cung dịu dàng, thiết tha  nhạc Việt, khác  hẳn  ngũ cung xa lạ trường phái Pháp của Claude Debussy cuối thế kỉ XIX. Rồi kết đúng bằng chủ âm dấy lên cảm xúc lai láng từ người hát tới người nghe, khơi dậy tình cảm nồng nàn tiếng Việt.

Tản mạn: Tiếng Việt ơi, tiếng Việt xót xa tình ảnh 1 Nhà thơ Lưu Quang Vũ và bài thơ Tiếng Việt. Ảnh: Dân Việt.

Đâu tự nhiên, rành rành truyền thống gia đình mà. Anh cả Phạm Duy Khiêm bị nhà thơ trào phúng Tú Mỡ móc “Đi tây du học ăn hành / Rước bằng trạng mẹo Phăng xa tích gì”.  Phạm Duy Khiêm lẳng lặng cùng học giả Trần Trọng Kim soạn sách giáo khoa Việt Nam văn phạm. Thế là chữ Quốc ngữ được khoác bộ qui tắc ngôn ngữ tổng hợp Ấn-Âu  synthetic  mà  ghép mình  vào  khuôn phép ngữ pháp hoàn vũ universal  grammar để diễn tả  văn hoa, khúc triết tư duy, văn hóa  tình cảm,  để hôm nay góp một phần thuận tiện lập mạng từ WordNet  - tài nguyên từ vựng, sản phẩm liên kết ngôn ngữ học, tâm lý học, tin học không thể thiếu vắng trong cách mạng công nghệ 4.0.

Nhà giáo Phạm Toàn dạy tiếng Việt ở  trường thực nghiệm của tiến sĩ Hồ Ngọc Đại, nay chủ biên sách dạy tiếng Việt với biểu trưng Cánh buồm lộng gió ra khơi, không tỏ tường cơ sự ấy, băn khoăn không hiểu sao  lớp trí thức vàng son ngày xưa học trường thuộc địa toàn bằng tiếng Tây mà giỏi tiếng Việt quá vậy(!).

Phạm Duy tiếc cho đấng sinh thành tiếng là người mở đầu văn chương ta theo lối  tân tiến phương Tây mà chẳng được mấy tác phẩm để đời. Không hẳn thế. Phạm Duy Tốn hy sinh cái riêng tư viết văn cá nhân, dồn trí tuệ, trợ tá đắc lực cho Nguyễn Văn Vĩnh  trong công việc hằng ngày nặng nhọc chữ nghĩa, vất vả  biên tập sách, báo xuất bản, phát hành  với tôn chỉ “Nước Nam ta mai sau hay dở ở như chữ Quốc ngữ ”.

Bản thân Nguyễn Văn Vĩnh viết cả chục ngàn bài bằng chữ Quốc ngữ cũng góp phần vào việc thức tỉnh dân chúng lầm than, nghèo hèn, mông muội  nước mất nhà tan, như Tản Đà ai oán ngâm: “Dân hai lăm triệu không người lớn, nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con…”. Nguyễn Văn Vĩnh còn có đóng góp  tích cực cho chữ Quốc ngữ thêm đắc dụng. Ông tận dụng những chữ cái Alexandre de Rhodes không đưa vào bảng đại tự để ghi thanh điệu - f huyền, j nặng,  và r hỏi, s sắc, x ngã, cặp đôi a, e, o thành  â, ê, ô, thêm w làm dấu móc cho ơ, ư, ă… Từ đó, đánh dây thép, điện tín truyền tin không còn lẫn lộn thiên tai vỡ đê với hạnh phúc gia đình vợ đẻ. Nay là một nền tảng cho phông chữ Việt thao tác trên máy tính.

Chính quyền thực dân thấy sách báo chữ Quốc ngữ của Nguyễn Văn Vĩnh nguy hại cho chế độ cai trị đương thời.  Dụ ông vào Huế làm quan thượng thư không được, Toàn quyền Đông Dương quay ra hỏi mua  nợ – tiền vay ngân hàng đầu tư cơ sở in ấn sách báo, với điều kiện tiên quyết ngừng ngay việc viết sách báo chữ Quốc ngữ  “khai dân trí, chấn dân khí”. Nhưng đời nào Nguyễn Văn Vĩnh  thoái chí. Liều thân sang Lào săn vàng để có tiền trả nợ mà  tiếp tục sự nghiệp. Lặn lội nơi rừng thiêng nước độc xứ người, vàng  không thấy, mà mạng thì mất. Những người Pháp tử tế gắng đưa bằng được xác ông về. Cả Hà Nội đưa tang. Xe ngựa đưa linh cữu ra đến ô Cống Vọng nhà thương Bạch Mai, đuôi còn mắc kẹt  ở trụ sở Hội tam hoàng Pháp, bên hông ga Hàng Cỏ, cách nhau mấy cây số. Nơi quàn quan tài ba ngày nườm nượp dòng người thương tiếc tới phúng viếng. 

May mắn có lớp kế tục xuất chúng, ba anh em Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam hợp  với Khái Hưng, Thế Lữ… lập Tự lực Văn đoàn xuất bản sách, ra báo Quốc ngữ thúc hối dân chúng thoát lạc hậu, đớn hèn, hướng đến văn minh tự do, dân chủ,  bình đẳng, bác ái.

Những tưởng  với đà ấy, nhất là khi đất nước thống nhất, yên bình không chiến tranh thì tiếng Việt rực rỡ, hiện đại, trong sáng thêm lên mới phải. Vậy mà,…

Năm ngoái, vừa được tấn phong, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phải kêu trời bản án gì mà be bét lỗi chính tả, văn bất  thành cú, viết  một đằng, tuyên một nẻo, rồi yêu cầu  mở lớp tức tốc, buộc các cử nhân, tiến sĩ luật học lại tiếng Việt.

Năm nay, cứ như người nước ngoài nói tiếng ta, một bà thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường họp báo biện minh cho thông tư 33 làm rối lòng dân: Đây chỉ là sửa về mặt nghiệp vụ trong ngành, nhưng do cách diễn đạt nên khiến dư luận có cách hiểu sai. Chúng tôi làm chuyên môn thì nghe cái hiểu ngay. Tuy nhiên, do cách diễn đạt khiến người dân hiểu lầm.

Ấy vậy, cuối cùng đích thân Bộ trưởng Trần Hồng Hà phải ra quyết định ngưng thực hiện Thông tư 33.

Tản mạn: Tiếng Việt ơi, tiếng Việt xót xa tình ảnh 2 Tiếng Việt cần cải cách kiểu này? Ảnh: Kênh 14.

Lỗi và trách nhiệm?  

Trước hết, ngành Giáo dục một thời các thầy tự tung tự tác bộ đại tự “I tờ” không giống ai, tăng lên đến 38 kí tự,  bỏ chính âm một loạt chữ cái, chỉ để tiện bề dạy vỡ lòng đánh vần du kích bình dân học vụ trái khoáy: e - mờ em, sờ - em xem  tục tĩu.  Trúc trắc đánh vần  không xong  “khuỷu”, nhắm mắt đọc  thuộc lòng.

Thực dụng, các thầy quên rằng bảng chữ cái là một hệ thống kí hiệu chặt chẽ, động một kí hiệu là cả hệ thống lỏng lẻo, rối ren, sai lệch. Các thầy còn bất chấp các qui tắc ngữ âm nghiêm ngặt. C chỉ đi  với  a, o, u  đỉnh tam giác nguyên âm, k chỉ đứng trước âm đầu lưỡi  e, I cạnh a-o tam giác nguyên âm, còn q kết với u để độc quyền  đứng trước y bán nguyên âm: hoa quỳ, quyền quý… Khác biệt  như thế  mà ép chúng bỏ chính âm mà cùng nhau kí hiệu một âm /kờ/ duy nhất sao đặng. Cũng chẳng thể tước chính âm của d, của g, của r để chúng chung một rọ âm /dờ/. Ch và tr khác nhau là thế, lại không khu biệt?  Lại chuyện người thủ đô kênh kiệu tiếng Hà Nội chuẩn quốc gia mà viết sai chính tả suốt: gỉ (sắt) thành dỉ, thành rỉ, khuyếch chương thay cho khuếch  trương…, rồi nói ngọng hoài: dun dẩy (run rẩy), chong chẻo (trong trẻo), không còn cảm nhận  chất thơ của câu “đá cheo leo trâu trèo, trâu trượt” trong bài thơ Tiếng Việt. Lưu Quang Vũ đau xót buông câu kết “Tiếng Việt ơi, tiếng Việt xót xa tình”. Trước đây, Ủy ban Khoa học nhà nước qui định các đơn vị đo lường phải viết theo qui chuẩn quốc tế, nhưng ai không biết tiếng Tây, cứ thản nhiên đọc cm  thành ken-ti-mét chẳng ra sao.

Tản mạn: Tiếng Việt ơi, tiếng Việt xót xa tình ảnh 3 Nhạc sĩ Phạm Duy và bài hát ngợi ca Tiếng Việt.

Đấy mới là vấn đề chữ quốc ngữ cần phải bàn luận, tìm giải pháp. Lưu Quang Vũ đã phải thốt lên “Tiếng Việt ơi, suốt đời tôi mang nợ”. Còn cái tào lao, lếu láo tự gọi là đề xuất cải cách chữ Quốc ngữ ồn ã dư luận không đâu không đáng để tâm, bàn luận, không đáng chê bai, ném đá…

Chữ quốc ngữ trẻ, sung sức, đâu cần sự can thiệp nhân tạo bên ngoài mà tự tiến triển theo đúng các qui tắc ngôn ngữ tự nhiên,  ngày một hoàn thiện chức năng công cụ giao tiếp. Không còn là xu thế mà thực tế đã là  “trồng (cây)” thay cho “giồng (cây)”; “nhời (nói)”  thành  “lời (nói)”; chẳng  còn “rức (đầu)” mà là “nhức (đầu)”… Bảng chữ cái chuẩn ban đầu  23 kí tự đã mở rộng lên 29, mỗi kí tự là một âm vị và ngược lại để đọc sao viết vậy, viết thế nào đọc thế ấy. Ưu việt này không phải chữ nước nào cũng có được. Chữ h trong tiếng Pháp câm. Viết rõ ràng “homme” (nghĩa là người, đàn ông), nhưng đọc vẻn vẹn “om”, không những h câm mà vần đuôi “me” chỉ đọc nhẩm trong họng, không thoát ra thành âm. Đứng trước ước b, p, phụ âm m đọc  thành n, còn  b, p trong trường hợp này câm. Thế là “ compter” (đếm, trả tiền, trải qua…)  nghiễm nhiên đọc là “công-tê” hệt như “conter” (kể, thuật). Nhưng người Pháp không đề xuất “cải cách”,  tôn trọng tính lịch sử, tính võ đoán ngôn ngữ mà!

Qua hơn bốn trăm năm tiến hóa, chữ Quốc ngữ hôm nay trưởng thành, vững vàng. Lưu Quang Vũ  ngợi ca “Tiếng thiết tha nói thường nghe  như hát/ Nói muôn điều bằng ríu rít âm thanh”, đầy hình tượng, giàu âm sắc “Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn/ Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suốt”, đong đầy cảm xúc “Tiếng heo may gợi nhớ những con đường”.

Chữ Quốc ngữ ngày nay đẹp, hay, diệu kì như thế, muôn vạn lần van xin đừng phá phách mà hãy gìn giữ giùm cho đời sau.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.