Lý do không cần thay đổi chữ viết tiếng Việt

Tiếng Việt cũng giống như các ngôn ngữ khác, có tính võ đoán và quy ước, người học chỉ có thể chấp nhận, chẳng thể giải thích.

Thầy giáo về hưu Nguyễn Phương chia sẻ bài viết trước đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của phó giáo sư Bùi HiềnChuyện “âm vị học”, “nguyên âm”, “phụ âm”… có thể tôi không rành, chỉ xin bàn đến hai đặc tính quan trọng của ngôn ngữ mà các nhà ngôn ngữ học thế giới đều nhất trí từ rất sớm. Đó là tính võ đoán (arbitrary) và tính quy ước (conventional).

Ngôn ngữ mang tính võ đoán

Tại sao ta lại viết “cái chăn”, “con trăn”, “chăn trâu”…, câu trả lời dân dã nhưng rất đúng thường được nghe là “người ta nói thế, cứ thế mà nói và viết theo”.

Trong bất cứ ngôn ngữ nào cũng vậy, có trường hợp có thể giải thích được, nhưng nhiều trường hợp thì không thể. Không phải câu hỏi “tại sao” lúc nào cũng trả lời được vì ngôn ngữ mang tính võ đoán.

Ngoại trừ những từ ngữ về mặt từ nguyên học có xuất xứ từ điển tích văn hóa, vay mượn, có gốc gác từ ngôn ngữ khác, hay từ hoạt động của con người, vũ trụ…, đa phần còn lại mang tính võ đoán và được tự động quy ước cho người sử dụng. Mọi thành viên của cộng đồng ngôn ngữ phải sử dụng chung một bộ “mã” như thế thì mới có thể giao tiếp được với nhau.

Cho nên không có chuyện “tại sao cái con trâu lại viết là con trâu?”. Ai học nói và viết tiếng Việt thì đều phải biết “trâu” chỉ con vật nào.

Ngôn ngữ mang tính quy ước

Bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới cũng đều theo quy luật này. Học một ngôn ngữ mới như trẻ con học tiếng mẹ đẻ, hay học một ngoại ngữ là học chấp nhận cái mà cộng đồng của ngôn ngữ đó quy ước. Nó bất chấp những bất hợp lý nào đó.

Cộng đồng người nói tiếng Việt, trải qua quá trình sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, quy ước viết “hàng xóm” chứ không phải “hàng sóm” để chỉ những người sống gần nhà mình. Người Anh thì viết scarborough, rất “thừa chữ cái” nhưng đọc thì lại một nẻo. Nhưng người Việt và người Anh đã chấp nhận cái quy ước ấy là bộ “mã” chung và không ai thắc mắc. Ai muốn học chúng như ngoại ngữ thì chỉ việc “chấp hành”.

Đừng quên rằng người Trung Quốc từng thử cải tiến thay thế chữ tượng hình tượng ý của họ bằng chữ Latinh, nhưng không thể vì nhiều lý do, mà một trong những lý do là tính quy ước quá cao.

Lý do không cần thay đổi chữ viết tiếng Việt ảnh 1 Bảng chữ cái mới theo đề xuất của phó giáo sư Bùi Hiền.

Tiếng Việt là ngôn ngữ thanh điệu hay tượng thanh?

Tiếng Việt được giới ngôn ngữ học thế giới xếp vào nhóm ngôn ngữ thanh điệu (tonal language) khu biệt nó với nhóm ngôn ngữ ngữ điệu (intonational language). Ngôn ngữ thanh điệu dùng thanh khác nhau (tiếng Việt có sáu thanh) để phân biệt nghĩa: Ma (con ma) - Mà (thế mà) - Má (ba má) - Mã (đẹp mã) - Mả (mả tổ) - Mạ (cây mạ).

Nhận xét như TS Bùi Hiền cho rằng tiếng Việt là ngôn ngữ “tượng thanh” (onomatopoeic) là không phù hợp. 

Thuật ngữ “tượng thanh” thường dùng để chỉ đơn vị nhỏ hơn, đó là hiện tượng có trong nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ví dụ, những từ được in nghiêng sau đây là từ tượng thanh, tức là mô phỏng âm thanh nào đó: “Mưa rơi tí tách ngoài hiên”, “Anh ta hôn đánh chụt một cái lên má thằng bé”, “Hắn húp đánh xoạt hết bát cháo"… “The vehicle skidded to a halt”, “The car splashed by”... 

Sinh ngữ luôn vận động, điều chỉnh và hoàn thiện trong quá trình sử dụng. Cho đến nay tiếng Việt hoàn thiện theo quan điểm nó là sản phẩm mang tính quy ước được cộng đồng người Việt chấp nhận và sử dụng, diễn đạt được mọi tư duy, khái niệm cũ hay mới... của người Việt.

Có thể trong tương lai khi một nhóm người Việt theo tàu vũ trụ lên định cư ở một hành tinh mới, như sao Hỏa chẳng hạn, những người này có thể cải tiến tiếng Việt. Tựa như tiếng Anh của Vương quốc Anh khi cùng di dân sang bắc Mỹ cũng có những cải tiến chữ viết cho đơn giản hơn, ví dụ neighbour thành neighbortheatre thành theater, hay thậm chí through thành thru trong giao dịch phi trang trọng…

Trên quê hương mới, người ta có thể sáng tạo ra ngôn ngữ mới.

Tại hội thảo về ngôn ngữ vào tháng 7 ở Quy Nhơn (Bình Định), PGS.TS ngữ văn Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội) công bố công trình cải tiến chữ quốc ngữ chưa hoàn thiện.

So với bảng hiện hành, bảng mới do PGS Hiền đề xuất bổ sung 4 chữ cái Latinh F, J, W, Z và bỏ chữ Đ trong bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành. Giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có cũng được thay đổi.

Cụ thể, C sẽ được thay cho Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = D, Gi, R. Ông đồng thời tạo thêm một chữ cái mới cho âm vị "nhờ" (nh). Như vậy, từ Giáo dục sẽ được viết mới thành Záo zụktiếng Việt thành tiếq Việt

Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định không dự kiến cải tiến chữ viết trong giai đoạn này.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.