Với 452 trên tổng số 483 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, ông Trần Đại Quang được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước, tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang thực hiện nghi thức tuyên thệ trước Quốc hội.
Phụng sự Tổ quốc, nhân dân
Trên nền nhạc hào hùng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bước lên, cúi chào trước quốc kỳ. Đứng trên bục tuyên thệ, Chủ tịch nước đặt tay trái trên quyển Hiến pháp, tay phải giơ cao hướng về hội trường Quốc hội. Mở đầu tuyên thệ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu ông giữ chức vụ Chủ tịch nước. “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước. Tôi, Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực làm hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ.
Phát biểu trước Quốc hội sau khi nhậm chức và tuyên thệ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nguyện làm hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc và kinh nghiệm của những người tiền nhiệm; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích và an ninh quốc gia; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, chủ động tích cực hội nhập, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng cảm ơn nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các vị chủ tịch nước tiền nhiệm đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hết lòng, hết sức vì đất nước, vì nhân dân.
Niềm tin mới
Trao đổi bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho hay, ông cảm thấy yên tâm hơn khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ khẳng định kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. “Người đứng đầu Nhà nước mà tuyên thệ như thế thì tôi thấy an tâm lắm. Lời tuyên thệ ấy tạo ra nềm tin mới không chỉ cho riêng tôi mà còn cho nhân dân, cho các đại biểu khác”, ông Lai nói.
Đại biểu Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, cho rằng, để Chủ tịch nước thực hiện được đúng chức trách mà Hiến pháp trao, cần phải sớm có Luật về Chủ tịch nước. Hiến pháp ghi nhận Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, nhưng thực hiện nhiệm vụ đó như thế nào thì đến nay chưa rõ. Ông Nhã cho biết, theo Hiến pháp, Chủ tịch nước có quyền triệu tập phiên họp Chính phủ đối với những vấn đề mà Chủ tịch nước quan tâm.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chưa thực hiện được một cuộc họp nào vì chưa có quy định để thực hiện. “Nếu có quy định thì Chủ tịch nước có quyền triệu tập Chính phủ họp để bàn về những vấn đề mà người dân đang quan tâm. Ví như vấn đề về biển Đông, Chủ tịch nước có thể triệu tập Chính phủ họp để nghe các cơ quan chức năng báo cáo về diễn biến, cũng như cách thức đối phó. Thông qua đó, Chủ tịch nước có thể yêu cầu những giải pháp, chính sách xử lý một cách phù hợp”, ông Nhã nói. Đại biểu Phùng Khắc Đăng (Sơn La) bày tỏ mong muốn tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ giải quyết tốt mối quan hệ phối hợp với các cơ quan điều hành đất nước.
Tiểu sử tóm tắt
- Họ và tên: Trần Đại Quang
- Ngày, tháng, năm sinh: 12/10/1956
- Quê quán: xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình
- Nơi đăng ký thường trú: phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội
- Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không
- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tiến sĩ Luật học, Đại học An ninh
- Học vị: Tiến sĩ; Học hàm: Giáo sư
- Lý luận chính trị: Cao cấp
- Ngoại ngữ: Cao học tiếng Trung
- Nơi làm việc: Bộ Công an, số 44 Yết Kiêu, Hà Nội
- Ngày vào Đảng: 26/07/1980; Ngày chính thức: 26/07/1981
- Đại biểu Quốc hội Khóa XIII
- Tóm tắt quá trình công tác:
- Từ tháng 7/1972 - tháng 10/1975: Học viên Trường Cảnh sát nhân dân Trung ương và Trường Cao đẳng Ngoại ngữ, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).
- Từ tháng 10/1975 - tháng 6/1987: Cán bộ Cục Bảo vệ chính trị I, sau tách thành Cục Bảo vệ chính trị II, giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Trinh sát, Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).
- Từ tháng 6/1987 - tháng 6/1990: Trưởng phòng Tham mưu và Trưởng phòng Trinh sát, Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).
- Từ tháng 6/1990 - tháng 9/1996: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).
- Từ tháng 9/1996 - tháng 10/2000: Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, Bộ Công an; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục An ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục An ninh, Bí thư Đảng ủy Cục Tham mưu An ninh, Bộ Công an.
- Từ tháng 10/2000 - tháng 4/2006: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Thiếu tướng (2003); được phong học hàm Phó giáo sư (2003).
- Từ tháng 4/2006 - tháng 1/2011: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Trung tướng (2007); được phong học hàm Giáo sư (2009).
- Từ tháng 1/2011 - tháng 8/2011: Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an.
- Từ tháng 8/2011 đến nay: Ủy viên Bộ Chính trị (khóa XI, XII), Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Thượng tướng (2011), Đại tướng (2012); Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên; đại biểu Quốc hội khóa XIII; Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Phó Trưởng Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương.
- Ngày 2/4/2016, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.