Tâm thần phân liệt nguy hiểm đến mức có thể dẫn đến giết người

Giang tỏ ra khá bình tĩnh khi ở trụ sở công an. Ảnh H. Tâm - Pháp Luật TP. HCM
Giang tỏ ra khá bình tĩnh khi ở trụ sở công an. Ảnh H. Tâm - Pháp Luật TP. HCM
TPO - Mới đây, vụ bảo vệ Hoàng Nhất Giang (28 tuổi, ngụ quận 11, TP.HCM) cứa cổ bé trai 6 tuổi gây xôn xao dư luận. Tên này khai rằng thời gian gần đây thường xuyên nghe thấy tiếng bé trai chửi vang lên trong đầu nên ra tay để không bị ám ảnh nghe tiếng chửi nữa.    

Theo tìm hiểu, Giang từng bị bệnh tâm thần phân liệt từ năm 2005 và được điều trị tại Bệnh viện tâm thần TP.HCM. Sau thời gian điều trị, bệnh tình của Giang đã ổn định và được cho về điều trị tại nhà.

Bác sĩ Trần Duy Tâm – Bệnh viện Tâm thần TP. HCM cho biết: “Người mắc bệnh tâm thần phân liệt luôn có nhiều thay đổi về ảo giác, thính giác… Tư duy và những gì họ suy nghĩ không liên quan đến nhau, thỉnh thoảng thường có thái độ căm ghét, thù hận những người thân, gia đình và xã hội. Ban đầu, bệnh nhân sẽ cảm thấy mình có những suy nghĩ rất kỳ cục, nhưng họ sẽ dần tin vào những suy nghĩ đó. Từ từ, họ biến đổi luôn về nhân cách.”

Người bệnh tâm thần dễ nhạy cảm với những thay đổi từ bên ngoài. Không chỉ riêng mùa nắng nóng, mà hàng loạt các yếu tố như trời lạnh, trời mưa, môi trường ồn ào, lời nói căng thẳng… cũng đủ làm cho người bệnh bị đả kích, lên cơn đột ngột.

Người bệnh luôn có cảm giác người khác nói xấu mình, đối đầu với mình rồi tự mình hình thành những suy nghĩ, lời nói chống đối. Đến mức cực đại, bệnh nhân không thể kiểm soát được hành vi, họ có thể hành hung, thậm chí dẫn đến hành vi giết người.

Khi điều trị, nếu người bệnh không tuân thủ chỉ định của bác sĩ, hoặc bỏ ngang không sử dụng thuốc thì khả năng sẽ tái phát rất cao. Lúc này người bệnh rơi vào trạng thái nguy hiểm, chỉ cần một đả kích nhỏ họ cũng bộc phát hành vi bạo lực.

Bác sĩ Phạm Văn Trụ, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM cho biết, người bệnh loạn tâm thần nào cũng có thể gây ra bạo lực gấp gần 5 lần so người bình thường, có khi tới mức chết người. Nguy cơ bạo lực chết người không liên quan tuổi, giới tính và các đặc điểm dân số xã hội khác của người bệnh. Bạo lực xảy ra ở người bị rối loạn tâm thần thường nhiều hơn người khác, đôi khi để lại hậu quả thương tâm cho người thân và cho ngay chính người bệnh.

Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2015, Việt Nam có gần 14 triệu người mắc các rối loạn tâm thần phổ biến, trong đó khoảng 3 triệu người mắc bệnh tâm thần nặng như: tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ, chậm phát triển… Con số này vẫn không ngừng tăng lên.

Tâm thần phân liệt là một nhóm các rối loạn não nghiêm trọng, trong đó hiểu thực tế bất thường. Tâm thần phân liệt có thể dẫn đến một số kết hợp của ảo giác, ảo tưởng và suy nghĩ bị rối loạn và hành vi. Đây là một bệnh mãn tính, cần điều trị suốt đời.

MỚI - NÓNG