Tâm thần: Gánh nặng thế kỷ 21

Phóng viên trao đổi với hai nữ sinh viên năm nhất Cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng đến trạm y tế khám bệnh trầm cảm. Ảnh: QD
Phóng viên trao đổi với hai nữ sinh viên năm nhất Cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng đến trạm y tế khám bệnh trầm cảm. Ảnh: QD
TP - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, thế kỷ 21 sẽ xuất hiện gánh nặng bệnh tật mới làm tiêu tốn khối lượng tiền của khổng lồ. Đó là rối loạn tâm thần và đây sẽ là gánh nặng bệnh tật lớn thứ hai, chỉ đứng sau bệnh tim mạch.
Phóng viên trao đổi với hai nữ sinh viên năm nhất Cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng đến trạm y tế khám bệnh trầm cảm. Ảnh: QD
Phóng viên trao đổi với hai nữ sinh viên năm nhất Cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng đến trạm y tế khám bệnh trầm cảm.
Ảnh: QD.
 

PV Tiền Phong trao đổi với một số chuyên gia xung quanh vấn đề này.

Ai cũng có thể rối loạn tâm thần

Bệnh tâm thần ở nước ta thời gian gần đây diễn tiến theo chiều hướng nào?

PGS-TS. Trần Hữu Bình, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Trường Đại học Y khoa Hà Nội:

Tính ra có gần 300 rối loạn tâm thần khác nhau nhưng 33 bệnh viện tâm thần trong tổng số 63 tỉnh thành nước ta những năm qua thực chất mới chỉ điều trị hai bệnh là tâm thần phân liệt (dân gian gọi là bệnh điên) và động kinh. Số người mắc tâm thần ngày càng tăng trong khi người làm ngành tâm thần thiếu trầm trọng. Gia tăng các vụ tự tử những năm gần đây, có thể nói, liên quan đến trầm cảm. Trầm cảm và tự sát đi với nhau như hình với bóng.

Nguyên nhân chủ yếu nào dẫn đến trầm cảm?

Bác sỹ Chuyên khoa II Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng: Trầm cảm chưa được nghiên cứu ở Việt Nam nên khó có thể chỉ ra nguyên nhân cụ thể nào là chính, do di truyền, stress tâm lý, hay căng thẳng trong cuộc sống, xã hội.

Ai cũng có thể mắc trầm cảm với những dấu hiệu như buồn nặng nề, giảm hoặc mất hứng thú kéo dài ít nhất hai tuần, kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, hay hồi hộp, ăn ngủ không ngon, ảnh hưởng đến chức năng trong cuộc sống và sinh hoạt kéo dài ít nhất hai tuần.

Y sỹ Đỗ Thị Tưởng, Trưởng trạm y tế Xã Diên Sơn (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa): Là nơi hưởng thụ dự án phát triển mô hình chăm sóc kết hợp từng bước trong điều trị trầm cảm của Quỹ Cựu Chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF), một năm qua, chúng tôi phát hiện ở bảy thôn 94 người bị trầm cảm. Các đối tượng này chủ yếu rơi vào gia đình kinh tế trung bình. Nguyên nhân chính gây trầm cảm ở xã tôi là suy nghĩ nhiều, muốn làm ăn vươn lên, tìm cách huy động vốn.

Y sỹ Huỳnh Thị Tùng, Trưởng trạm Y tế phường Hòa Minh, TP Đà Nẵng: Phường chúng tôi cũng hưởng thụ dự án VVAF. Tìm hiểu các ca trầm cảm ở phường một năm qua, tôi thấy có vẻ liên quan đến tốc độ phát triển quá nhanh, đô thị hóa các vùng ven, giải tỏa, giải phóng mặt bằng, nhiều người bị đảo lộn nhịp sống, thay đổi sinh kế, cư dân ở nông thôn và vùng sâu vùng xa đổ dồn về, khiến cư dân bản địa không kịp thích ứng.

Bệnh nhân trầm cảm đến phường Hòa Cường Bắc, TP Đà Nẵng đăng ký điều trị tại cộng đồng. Ảnh: QD
Bệnh nhân trầm cảm đến phường Hòa Cường Bắc, TP Đà Nẵng đăng ký điều trị tại cộng đồng. Ảnh: QD.
 

Việc không chỉ của ngành y

Kinh phí đầu tư cho chăm sóc sức khỏe tâm thần ước tính bao nhiêu?

BS. Lại Đức Trường, Chương trình Phòng chống Bệnh không lây, WHO Vietnam:

Sức khỏe tâm thần sẽ là gánh nặng lớn những năm sắp tới không chỉ ở Việt Nam. Trong số các bệnh tâm thần, phổ biến nhất sẽ là bệnh trầm cảm. Phần lớn các nước nghèo và trung bình chỉ chi chưa đến 2% kinh phí y tế cho tâm thần, quá thấp so với nhu cầu. May mắn là Chính phủ Việt Nam sớm nhận ra nguy cơ này nên gần đây đã có những bước đi đáng chú ý.

"Điều trị hiệu quả rối loạn tâm thần là vừa được can thiệp về y tế vừa được hỗ trợ về xã hội, gia đình và hỗ trợ lao động" - GS Harry Minas nói.

Quyết định 1215 ngày 22-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khoản tiền 8.382 tỷ đồng từ nay đến năm 2020 cho đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.

Theo đó, mỗi năm, Việt Nam sẽ chi khoản tiền tương đương 40 triệu USD cho tâm thần. Quyết định này được xây dựng trên cơ sở đề án của Bộ LĐ-TB&XH do WHO Vietnam hỗ trợ. Nhu cầu tài chính thực tế sẽ phải lớn hơn thế nếu biết sức khỏe tâm thần ảnh hưởng to lớn thế nào đến năng suất lao động xã hội.

GS Harry Minas
GS Harry Minas.

Chỉ ngành y tế làm sao gánh vác được?

GS. Harry Minas, Trung tâm Hợp tác Sức khỏe Tâm thần & Lạm dụng Chất của WHO: Đây chính là một trong những vấn đề lớn nhất của chăm sóc sức khỏe tâm thần. Phòng và điều trị rối loạn tâm thần đòi hỏi sự phối hợp các biện pháp về y tế và xã hội, sự hợp tác của nhiều lĩnh vực. Nếu các bộ ngành Việt Nam phối hợp chặt chẽ thì sẽ là bước tiến lớn để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Điều trị cho tội phạm có liên quan đến rối loạn tâm thần cũng quan trọng và, vì thế, cần sự tham gia của cả ngành tư pháp, công an, chứ không chỉ giới hạn ở Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH, và Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, nguồn lực cần được tập trung cho những nơi có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nhất đối với nhóm bệnh này. Đấy là cộng đồng.

Chủ đề Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới năm nay: Tập trung đầu tư cho sức khỏe tâm thần. Chủ đề năm 2010: Sức khỏe thể chất và các rối loạn tâm thần.

Quốc Dũng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG