Tâm sự của bóng hồng trẻ nhất Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2

Đại úy Cao Thùy Dung. Ảnh: Nguyễn Minh
Đại úy Cao Thùy Dung. Ảnh: Nguyễn Minh
TPO - Đại úy Cao Thùy Dung là người trẻ nhất trong số 10 nữ quân nhân tham gia khóa huấn luyện tiền triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc.

Thiếu ngoại ngữ thì không làm được gì

Từ tháng 11/2018, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 (BVDC 2.2) đã được tập trung tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam để tham gia khóa huấn luyện tiền triển khai theo yêu cầu của Liên hợp quốc trong thời gian gần 3 tháng. Nội dung huấn luyện bao gồm: Kiến thức nền tảng về Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, kiến thức về tình hình phái bộ nơi BVDC 2.2 triển khai, kỹ năng sinh tồn trong điều kiện môi trường châu Phi, nhận diện bom, mìn, vật liệu nổ…

BVDC 2.2 dự kiến thay thế BVDC 2.1 của Việt Nam tại Phái bộ Nam Sudan vào tháng 10/2019. Ngoài các nam quân nhân, khóa huấn luyện có sự tham gia của 10 nữ quân nhân ưu tú được lựa chọn từ nhiều đơn vị khác nhau trong toàn quân.

Sinh năm 1985, 8 năm trước, Thùy Dung gia nhập lực lượng vũ trang và nhiều năm gắn bó với công việc điều dưỡng viên tại Viện Bỏng quốc gia. Chị chia sẻ: “Về độ tuổi thì tôi là nhỏ nhất bởi các chị tham gia đa số trên 40 tuổi, nhưng các chị đều rất cố gắng. Bởi ngoài nhiệm vụ trong lực lượng vũ trang, chúng tôi còn có trách nhiệm của một người vợ, một người mẹ, rất nhiều trọng trách. Nhưng khi đã nhận nhiệm vụ thì chúng tôi đều phải cân bằng cả hai thứ”.

Tâm sự của bóng hồng trẻ nhất Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 ảnh 1  Đại úy Cao Thùy Dung (thứ 2 từ phải sang) và đồng đội tại lễ ra mắt và khai mạc khai mạc Huấn luyện tiền triển khai BVDC 2.2 tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc, ngày 13/12

“Chúng tôi luôn xác định phải nâng cao thể lực để chống chọi với môi trường, dịch bệnh ở khu vực thực hiện nhiệm vụ. Hy vọng sẽ có nhiều sự giúp đỡ, động viên tinh thần cho BVDC 2.2 để chúng tôi có thêm động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ này”.
Đại úy Cao Thùy Dung

Nói về việc đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn Liên hợp quốc, đại úy Dung cho biết yêu cầu quan trọng là phải thành thạo tiếng Anh, bởi thiếu ngoại ngữ thì không thể làm được gì dù chuyên môn có tốt đến mấy. Sau một năm nỗ lực phấn đấu học tiếng Anh, điểm IELTS của chị đạt 7.0. Điều quan trọng nữa là đại úy Dung và đồng đội phải trau dồi kĩ năng chuyên môn bằng cách cập nhật tất cả các kiến thức của quốc tế, của Liên hợp quốc theo quy trình chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó phải cập nhật tất cả những phương tiện mà họ chưa bao giờ tiếp cận của Liên hợp quốc để học tập.

“Ngoài tiếng Anh, chúng tôi phải chuẩn bị rất nhiều về thể lực và kỹ năng bởi nhiệt độ ở Nam Sudan là rất nóng. Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực đang có bạo động, vì vậy chúng tôi phải chuẩn bị rất nhiều kiến thức về kĩ năng tham mưu, kỹ năng thông tin và kỹ năng sinh tồn. Sở trường ngành y của tôi là hồi sức cấp cứu. Nhưng một khi đã làm trong bệnh viện dã chiến thì tất cả nhân viên phải biết mọi thứ, xác định bản thân mỗi người phải làm tất cả nhiệm vụ khi có sự việc hay thảm họa xảy ra”, đại úy Dung nói.

“Các con tôi tự hào về mẹ”

Chia sẻ về hậu phương của mình, đại úy Cao Thùy Dung cho biết chồng chị cũng đang công tác trong quân đội, hiện tại hai người đã có 2 cháu, một bé học lớp 2, một bé 5 tuổi.

Chị nói: “Đầu tiên khi nhận nhiệm vụ, tôi đã tâm sự với các con về công việc trong quân đội của mình, các cháu rất tự hào và bắt đầu có ý thức, trách nhiệm về việc học tập, làm việc nhà đỡ bố mẹ để xác định rằng khi mẹ đi thì các con có thể giúp bố. Thứ hai, bố mẹ ông bà cũng giúp đỡ và tạo điều kiện rất nhiều để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, tôi rất cảm động vì hai đứa con của mình, vì đến việc phơi quần áo thôi các bé cũng nói rằng: “Mẹ ơi, mẹ hướng dẫn con vì khi mẹ không có nhà, bố đi làm thì ai làm hả mẹ?”.

Các con rất tự hào khi thứ nhất là mẹ mình làm quân đội, thứ hai là mẹ đứng trong hàng ngũ quân đội đi làm việc như thế này. Thậm chí, cháu lớn của tôi còn mở mạng ra để xem đất nước Nam Sudan như thế nào. Thực sự tôi rất cảm động khi con nói: “Mẹ ơi mẹ làm việc trong khu vực như thế này mẹ có sợ không?”. Khi ấy tôi nói rằng: “Nếu như mẹ mà sợ thì mẹ không phải là bộ đội, cho nên các con phải tự hào về mẹ và cố gắng giúp đỡ bố mẹ. Tôi rất tự hào về gia đình của mình”.

Tâm sự của bóng hồng trẻ nhất Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 ảnh 2 "10 chị em chúng tôi trong BVDC 2.2 là 10 hoàn cảnh khác nhau nhưng khi về chung một đơn vị chúng tôi luôn phát huy tinh thần đoàn kết, luôn cố gắng học tập thật tốt và chia sẻ tình cảm gia đình với nhau. Chúng tôi xác định rằng là một nữ quân nhân trong trong Quân đội nhân dân Việt Nam thì luôn mang theo hành trang tám chữ vàng: Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang. Vừa đảm bảo công việc nhà vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ", đại úy Cao Thùy Dung khẳng định.
MỚI - NÓNG