Tâm sự của ba thủ khoa “đất học”

Ảnh: Như Ý.
Ảnh: Như Ý.
TP - Sáng qua, 12/7, báo Tiền Phong có buổi giao lưu trực tuyến “Nâng bước thủ khoa” với 3 thủ khoa đầu vào ĐH năm 2017 tại tòa soạn 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội. Đó là Lê Hữu Hiếu, thủ khoa 30 điểm khối B,  lớp 12A1, trường THPT Yên Định 1, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa;  Hồ Phi Khánh 30 điểm khối B, học sinh lớp 12A1, trường THPT Hoàng Mai, TX Hoàng Mai, Nghệ An;  Thủ khoa Lưu Văn Hiện, thủ khoa khối A của Nam Định với 29,3 điểm, học sinh trường THPT Hải Hậu A.

Buổi giao lưu còn có sự tham gia của các khách mời: TS. Lê Việt Thủy, Phó Trưởng phòng đào tạo ĐH, trường ĐH Kinh tế quốc dân, TS. Nguyễn Xuân Tùng, Phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội và ông Lê Anh Sáng, giám đốc công ty TNHH Thương mại Sáng Hà, Hà Nội.

Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng khẳng định, các em có mặt hôm nay là những thủ khoa đầu vào, là tấm gương vượt khó vươn lên, rất xứng đáng được tôn vinh. Cuộc giao lưu nhằm chia sẻ quá trình học tập phấn đấu, kinh nghiệm cuộc sống để giành kết quả tốt, có thể lan tỏa trong thế hệ trẻ, cùng nhau vượt qua thử thách để chinh phục những đỉnh cao mới.

Chia sẻ với độc giả tại buổi giao lưu, Lê Hữu Hiếu cho biết hè năm lớp 10 và lớp 11 em cùng bố lên Hà Nội làm thêm cho một người ở cùng quê nhận thầu các công trình xây dựng trên Hà Nội. Công việc khá vất vả, ngày ít nhất làm 8 tiếng còn lại thường xuyên làm thêm 3-4 tiếng một ngày. Những ngày đầu phải làm quần quật 12 tiếng một ngày khiến em đau nhức, mỏi nhừ người. Nhưng nghĩ đến có tiền đóng học em lại cố gắng. Công lao động được 100.000đ/ngày.  

Còn Lưu Văn Hiện thì cho hay, hè năm lớp 11, em cũng có cùng cậu ruột đi bốc vác để kiếm thêm thu nhập. Nhưng cũng chỉ thi thoảng vì vào đội tuyển Hóa của trường nên không có nhiều thời gian làm thêm. Kể từ khi thi xong THPT quốc gia, ngày nào Hiện cũng đi làm để có thêm kinh phí nhập học. “Mỗi ngày em nhận được công từ 150.000đ đến 200.000đ. Nhưng em nghĩ đó là cậu em cho thêm. Cậu thiệt để cho cháu có thêm tiền” - Hiện cười chia sẻ.

Có một đặc điểm chung giữa ba thủ khoa tại buổi giao lưu đó là các em đều tự học ở nhà là chủ yếu. Tài liệu học mượn của các thầy cô giáo trong trường hoặc tìm kiếm trên mạng.

Nói về dự định tương lai, Hồ Phi Khánh cho biết em chọn ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội. Từ đầu, em đã xác định học khối B, nên em chọn trường Y. Nhưng bố lại muốn em học an ninh, vừa đỡ tốn kém vừa đảm bảo công việc sau này. Đợt tháng 4, em cũng nghe lời bố, hoàn tất đăng ký vào trường an ninh. Tuy nhiên, lúc đó em không chắc chắn với khối A1 và cũng không có niềm yêu thích bằng khối B, nên dù chỉ còn 2 tháng, em vẫn từ bỏ để thi khối B. “Em thích học khối B và tự tin nhất vào khối B. Đồng thời, cũng không hiểu vì sao nhưng em cảm thấy mình phù hợp với không khí lành lạnh và tất bật trong bệnh viện” – Khánh nói.

Còn Lê Hữu Hiếu thì tâm sự, em dự định đăng kí ngành bác sĩ Đa khoa, ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh. Dự định ban đầu là cố gắng học tập để trở thành bác sĩ giỏi. Vốn tiếng Anh của em giờ khá kém, cần trau dồi để phục vụ cho công việc sau này. Sau này em cũng sẽ cố gắng đi làm thêm để trang trải chi phí cho 6 năm học trường Y.

Chia sẻ kế hoạch, dự định học tập của mình, làm gì để trang trải chi phí học tập, Lưu Văn Hiện cho hay, em sẽ kiếm học bổng để ăn học trong thời gian đầu. Lâu dài em sẽ đi làm thêm ở gần trường, gần nơi trọ. Công việc mà Hiện nghĩ có thể làm được ở Hà Nội đó là đi làm gia sư.

Học ĐH có khó không?

Một vấn đề mà bạn đọc cũng như các thủ khoa, các tân sinh viên đều quan tâm đó là học ĐH sẽ như thế nào. Câu hỏi này đã được hai vị khách mời tham gia buổi tọa đàm giải đáp. TS.Nguyễn Xuân Tùng, Phó trưởng phòng đào tạo ĐH, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, để có thể trở thành một sinh viên xuất sắc, các em cần thay đổi  cách học, vì  việc dạy và học giữa phổ thông và ĐH rất khác nhau.

“Khi học ĐH, sinh viên phải nâng cao tính tự chủ. Thể hiện ở nhiều khía cạnh. Ví dụ ở THPT theo chương trình có sẵn, còn ĐH không thế. Tiến độ học tập, nhịp độ học tập phụ thuộc vào các em. Đầu tiên, sinh viên phải thiết kế cho mình kế hoạch học tập. Điều này khác hoàn toàn THPT. Các em hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình kế hoạch học tập cho mình” - TS Tùng nhấn mạnh. Cũng theo TS Tùng, sinh viên phải chủ động mọi vấn đề.  Để có 2 giờ học trên lớp  thì sinh viên phải có 6 giờ chuẩn bị tại nhà. 

Chia sẻ thêm về câu chuyện cách học ở bậc ĐH như thế nào, TS. Lê Việt Thủy, Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân đưa ra con số, có khoảng 10% những sinh viên  đầu vào tốt nhưng lại không ra được  trường đúng hạn. TS. Thủy cho biết có một số nguyên nhân. Thứ nhất là thay đổi phương pháp học. Thứ hai là thay đổi môi trường sống. Chính vì vậy, TS. Thủy cũng chân thành nhắc nhở các thủ khoa đầu vào không nên ngủ quên trên chiến thắng. Nếu không có sự chuẩn bị thì sẽ không theo kịp được với cách học, cách dạy của ĐH.

Nhiều phần quà và học bổng được trao ngay tại buổi giao lưu

-  Thông qua báo Tiền Phong, tại buổi giao lưu trực tuyến, Quỹ học bổng  Thắp Sáng Niềm Tin đã quyết định đồng hành cùng thủ khoa Lê Hữu Hiếu trong toàn bộ thời gian em theo học đại học, với mức học bổng toàn phần trị giá 12.000.000 đồng mỗi năm. Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin được quản lý và điều hành bởi Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí VN (PTSC) và Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling). Quỹ được bảo trợ bởi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

-  Cũng ngay tại buổi giao lưu, sau khi được biết thủ khoa Lưu Văn Hiện có nguyện vọng theo học tại ĐHBK Hà Nội, TS. Nguyễn Xuân Tùng thay mặt lãnh đạo nhà trường đã quyết định trao tặng một năm học bổng toàn phần cho Lưu Văn Hiện, các năm tiếp theo nhà trường sẽ căn cứ kết quả học tập của em để xem xét tiếp. Được biết, đây là năm đầu tiên ĐHBK Hà Nội thực hiện chính sách học bổng mới, theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế.

- Tại buổi giao lưu, ông Lê Anh Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sáng Hà, Hà Nội đã trao tặng ba thủ khoa 3 suất học bổng trị giá 5.000.000đ/suất. Ông Sáng tâm sự, thời trai trẻ khi ra Hà Nội học bản thân ông cũng đã từng làm đủ nghề để vừa kiếm sống, vừa có tiền đi học. Chính vì vậy, ông luôn thấu hiểu mong ước cùng những khó khăn mà các thủ khoa sắp trải qua.   

N.H

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.