Khi biết tin Hiện đỗ thủ khoa khối A với 29.3 điểm (10 Hóa, 9.8 Toán và 9.5 Lý), PV Tiền Phong liên lạc với em rất khó khăn, số máy cầm tay của Hiện liên tục đổ chuông nhưng không có người nghe. Sau rất nhiều lần gọi, cuối cùng cũng đã có tín hiệu trả lời từ đầu dây bên kia.
Hiện cho biết, em đang tranh thủ thời gian sau thi để đi làm thêm kiếm tiền nhập học ĐH thời gian tới. “Nhà cậu ruột em có xe tải, nên thời gian này, em cùng cậu đi bốc vác hàng chở thuê cho người dân” – Hiện trần tình lý do vì sao em không nhấc máy kịp thời.
Chia sẻ về mình, Hiện cho biết, có một người em đang học THCS. Bố bị bệnh liên quan đến thần kinh đã lâu, không lao động được. Bố cũng vừa xuất viện về, do vậy mẹ trở thành lao động chính. Thu nhập chủ yếu từ đồng ruộng, những lúc nông nhàn mẹ đi làm phụ hồ.
Cô Lê Thị Diệp, giáo viên chủ nhiệm lớp 11 và lớp 12 của Hiện rất tự hào khi nhận xét về cậu học trò của mình: Thông minh và chăm chỉ ! “Từ khi vào lớp 10, các thầy cô đã phát hiện em chăm chỉ một cách bất ngờ. Dường như em nuốt từng lời dạy của thầy cô” – cô Diệp chia sẻ.
Cũng theo cô Diệp, Hiện có hoàn cảnh đặc biệt, thuộc diện cận nghèo. Bố Hiện ốm đau suốt, cách đây lâu lâu, ông phát bệnh về thần kinh nên không còn khả năng lao động. Hoàn cảnh của Hiện như thế nên em được miễn học phí trong quá trình học tại trường.
“Hiện không bao giờ đi học thêm. Em chủ yếu tự học. Các thầy cô thường cho em mượn tài liệu để học. Em đặc biệt yêu thích môn Hóa học. Ngoài bài tập thầy cô giao trên lớp, em còn xin thêm bài tập khó để làm” – cô Diệp cho hay. Chính vì vậy, lớp 11, Hiện đã vào đội tuyển Hóa của trường. Năm lớp 12, em đã giành giải nhì Hóa toàn tỉnh (thuộc top điểm cao nhất ở giải nhì) của tỉnh Nam Định.
Cô Diệp cũng cho hay, ngoài giờ học, Hiện cũng phụ cậu làm việc để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Biết hoàn cảnh của em, khi nộp hồ sơ dự thi THPT quốc gia, các thầy cô khuyên em nên xét tuyển vào Học viện Quân y. Nhưng Hiện cho biết em chỉ thích ĐH Bách khoa Hà Nội, ngành tự động hóa.
“Em cho biết ĐH Bách khoa Hà Nội và ngành tự động hóa là niềm mơ ước của em. Em sẽ tự xoay xở để thực hiện ước mơ của mình. Là giáo viên chủ nhiệm, chứng kiến quá trình trưởng thành của em, tôi tin học trò của mình sẽ làm được việc đó” – cô Diệp khẳng định.