Không thể đứng ngoài cuộc
Từ nhiệm kỳ “thắp lửa”, sang nhiệm kỳ khóa XII, với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “lò nóng lên rồi củi khô, củi tươi vào cũng cháy”, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã có những chuyển động mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong cả xây và chống.
Chỉ tính riêng 5 năm của nhiệm kỳ khóa XII, đã có hơn 100 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, nhiều người bị truy tố, phạt tù, trong đó có cả những người từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, hay các tướng lĩnh trong lực lượng quân đội và công an.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Từng có nhiều năm công tác trong ngành kiểm tra, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ XII ngày càng trở nên bài bản hơn. Sự bài bản thể hiện trong cả “xây” và “chống”, kết hợp ban hành các quy định để phòng, ngừa sai phạm với việc xem xét, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua đó đã tạo ra sự chuyển động trong toàn hệ thống một cách bài bản, không ai có thể đứng ngoài cuộc, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các vụ án, vụ việc nổi cộm phức tạp, được dư luận quan tâm đã được xem xét xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước, như vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Mobifone mua AVG; các vụ việc liên quan đến các dự án thua lỗ, yếu kém…
Một Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII cho biết, nếu như khóa XI, số lượng các vụ việc được xem xét, kết luận, xử lý rất ít, có khi 1- 2 tháng mới họp một kỳ, thì sang khóa XII các vụ việc phải kiểm tra, giám sát, kết luận nhiều hơn. “Hầu như tháng nào cũng họp, với các vụ việc được xem xét dày đặc, trong đó có nhiều vụ xảy ra từ các nhiệm kỳ trước.
Mặc dù công việc nhiều, song với sự chủ động và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị nên tiến độ giải quyết nhanh, bảo đảm sự công minh, chính xác. Đặc biệt, tất cả thông tin của các kỳ họp đều được công khai, minh bạch và được nhân dân, dư luận hết sức ủng hộ”, vị này cho hay.
“Ba khóa liên tục Đại hội XI, XII, XIII đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là Hội nghị đầu mỗi khóa để bàn về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị - điều đó hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Mỗi Hội nghị đều có sự kế thừa và phát triển mới”.
Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị Trung ương 4, ngày 4/10/2021
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục), người thường xuyên có những phát biểu mạnh mẽ trên nghị trường về tình trạng tham nhũng, lãng phí, “chạy chức”, “chạy quyền”, “những quả đấm thép tan chảy” khẳng định: Sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã “tiếp lửa” để các đại biểu Quốc hội mạnh mẽ lên tiếng, phản ánh, kiến nghị các giải pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí, không để xảy ra các vụ việc tương tự như Vinashin, Vinalines.
“Chính Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, khóa XII đã thổi lên ngọn lửa đấu tranh trong mỗi cán bộ, đảng viên, trong từng đại biểu Quốc hội và lan tỏa ra ngoài xã hội. Các đại biểu cảm nhận được sự lắng nghe của Đảng, của các cơ quan Nhà nước, để từ đó tăng cường sự giám sát, phán ảnh, góp phần chấn chỉnh, ngăn ngừa các biểu hiện vi phạm”, ông Tiến nói.
Chọn người “giữ lửa”
Theo ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, khi nhân dân ủng hộ thì Đảng phải “tiếp lửa” liên tục, không để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng “nguội lạnh”.
Tuy nhiên để làm được điều đó, việc lựa chọn người đứng đầu, người “giữ lửa” là rất quan trọng. “Việc thường trực giữ được tinh thần chiến đấu là vô cùng khó, vì con người thường có tư tưởng xả hơi, nghỉ ngơi, giữ hòa khí, nguy cơ cái tiêu cực trỗi dậy rất dễ xảy ra.
Ngược lại, nếu chọn đúng người, để “tiếp lửa”, tiếp tục xu thế đấu tranh, làm trong sạch nội bộ thì công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng sẽ có những chuyển động tích cực”, ông Kim nói. Từ đó, ông cho rằng, việc Hội nghị Trung ương 4 vừa qua tiếp tục xem xét công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng là sự tiếp nối quan trọng kết quả và bài học từ 2 nhiệm kỳ qua. Qua đó sẽ góp phần không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn trong cả các cơ quan nhà nước, hệ thống chính trị.
PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh, nhiệm vụ số một là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực cần phải được tiếp tục mạnh mẽ, thường xuyên, không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Viết Thảo, chống tham nhũng, xử nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm chỉ là biện pháp cuối cùng. Điều quan trọng là xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những vấn đề sống còn.
Nhìn lại 10 năm thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ông Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, thành quả đạt được là rất lớn. Những lo ngại rằng, nếu chỉ tập trung vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ bỏ qua phát triển kinh tế là không có cơ sở. Từ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chúng ta đã hoàn thiện tổ chức bộ máy, hoàn thiện các quy định pháp luật, cũng như các quy định của Đảng.
Cụ thể, từ khóa XII đến nay, Đảng đã ban hành hàng loạt các nghị quyết, quy định, kết luận, bao trùm mọi lĩnh vực, như quy định về nêu gương; kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền; nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân… Qua đó, tạo sự hứng khởi cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân trong dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo. Người dân, doanh nghiệp giờ đây an tâm làm ăn, đỡ lo sợ các “nhóm lợi ích”, các hành vi tiêu cực. Đặc biệt, những nghị quyết của Đảng đã tạo ra lằn ranh để cán bộ biết sợ, biết tự soi, tự sửa.
Theo ông Nguyễn Viết Thảo, chống tham nhũng, xử nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm chỉ là biện pháp cuối cùng. Điều quan trọng là xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những vấn đề sống còn.
Theo ông Lê Như Tiến, thời gian qua, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị là chủ trương đúng đắn, mở cả chiều rộng và chiều sâu để tăng cường sự trong sạch.
Đặc biệt, lần này, Đảng đã chú trọng hơn vào phòng, chống các hành vi tiêu cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. “Tiêu cực là mở đầu của tham nhũng, tham nhũng là con đẻ của tiêu cực. Chúng ta mở rộng nội hàm phòng chống cả suy thoái, tham nhũng, tiêu cực chính là nâng cao hơn một bước nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng so với các nhiệm kỳ trước”, ông Lê Như Tiến nói.