Nghĩ đến dân - sẽ có giải pháp phù hợp
Từng công tác trong ngành nội vụ, ông bình luận thế nào về Kết luận của Bộ Chính trị trong việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung?
Từ trước đến nay, luôn có rất nhiều cán bộ năng động, đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì dân, vì nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng có người gặp phải một số rủi ro nhất định. Nếu không có cơ chế để động viên, khuyến khích và bảo vệ thì dễ làm thui chột đi sự nhiệt tình, tâm huyết, sáng tạo của đội ngũ cán bộ. Vì thế việc Bộ Chính trị ban hành kết luận bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì mục đích chung là hết sức phù hợp. Những quyết định đột phá, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung có thể thành công hoặc chưa thành công đều phải được khuyến khích và bảo vệ, còn nếu làm vì lợi ích riêng thì phải xử lý.
Ông Nguyễn Tiễn Dĩnh |
Trong công tác phòng, chống dịch vừa qua chúng ta thấy một nghịch lý là bên cạnh những quyết định “xé rào” để bảo vệ lợi ích tính mạng và sức khỏe người dân thì cũng có những quyết định e dè, thậm chí có dấu hiệu đóng cửa một cách cực đoan?
Đợt bùng phát dịch lần thứ tư có nhiều đặc điểm khác biệt, biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh, quá nguy hiểm nên có nơi lúng túng, bị động, không lường hết được. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn thấy, ở một vài địa phương đã có sự sáng tạo, đột phá, cách làm hay, qua đó bảo vệ được tính mạng và sức khỏe của nhân dân. Ví dụ, như Bí thư Quận 6, TPHCM, khi thấy tình hình dịch COVID-19 lan rộng và có chiều hướng nguy hiểm, các ca tử vong trong thành phố tăng cao đã không chờ đợi các hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế và Sở Y tế TP mà đã chủ động cho phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 điều trị tại nhà. Việc “xé rào” này đã giúp giảm được các ca tử vong, bảo vệ sức khỏe tính mạng của người dân. Hay như việc Bắc Giang, Bắc Ninh thực hiện việc chống dịch theo phương châm “ba tại chỗ”, một cung đường hai điểm đến… Nhờ đó không chỉ khống chế được dịch, mà còn bảo đảm được hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Tuy nhiên, thực tiễn rất sinh động, không phải cái gì ở Bắc Giang, Bắc Ninh làm tốt cũng có thể áp dụng được ở các nơi khác. Ví như như mô hình 3 tại chỗ áp dụng, thực hiện ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương lại không phù hợp. Cho nên không thể áp dụng máy móc mà trong công tác phòng, chống dịch cũng phải sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xuất phát từ lợi ích của người dân.
Tương tự, như việc người dân về quê, lẽ ra chính quyền các cấp phải lường trước được để chủ động phối hợp với nhau. Nếu thuyết phục được người dân ở lại là tốt nhất, còn không thì phải tổ chức, bố trí phương tiện để người dân trở về, chứ không phải để người dân tự về bằng xe máy, xe đạp, thậm chí là đi bộ. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, vẫn có một số địa phương thực hiện tốt, như Phú Yên chẳng hạn. Đây chính là bài học đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải năng động, sáng tạo trong việc chống dịch và hậu chống dịch. Nếu thấy tàu hỏa, máy bay, ô tô khách chưa được phép hoạt động thì có thể kiến nghị Chính phủ cho chạy để chở người dân về quê. Ở đây một số địa phương nghĩ an toàn quá, đưa dân về thì nảy sinh nhiều vấn đề như cách ly, xét nghiệm, nguy cơ lây lan dịch bệnh... Tuy nhiên, nếu nghĩ đến việc chia lửa, nghĩ đến người dân thì sẽ có giải pháp phù hợp.
Lo “giữ ghế” thì không dám làm
Lâu nay, các địa phương luôn yêu cầu đòi hỏi phân cấp, song khi được trao quyền rồi gặp vấn đề phức tạp thì lại không dám quyết, hoặc quyết một cách an toàn cho chính mình?
Phân cấp, phân quyền là hoàn toàn hợp lý. Nếu phân cấp, phân quyền và trao trách nhiệm một cách triệt để sẽ phát huy hiệu quả. Còn phân cấp mà vẫn yêu cầu phải hỏi ý kiến thì đó là sự phân cấp nửa vời. Phân cấp kiểu thế, đội ngũ lãnh đạo sẽ lựa chọn phương án an toàn nhất. Khi gặp vấn đề khó, vấn đề mới họ cứ xin ý kiến cấp trên, cấp trên cho ý kiến thế nào thì thực hiện theo đó. Nếu phân cấp triệt để, tất cả những việc đó thuộc thẩm quyền của địa phương, địa phương phải quyết, chứ không đẩy lên Trung ương.
Trong bối cảnh chúng ta vừa chống dịch, vừa tìm cách mở cửa để phục hồi kinh tế, Kết luận của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Kết luận 14 của Bộ Chính trị sẽ động viên, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm hơn. Tuy nhiên, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, dám nghĩ, dám làm phải xuất phát từ lợi ích chung. Chứ nếu “sáng tạo”, “đột phá” vì cá nhân thôi thì phải xử lý. Mọi sự sáng tạo, dám quyết, dám làm phải vì dân, phải đặt dân lên hàng đầu. Nếu dám nghĩ, dám làm thì đừng vì “cái ghế”, còn nếu nghĩ đến “ghế” thì chưa chắc đã dám làm.