Như Tiền Phong đã đưa tin, sáng 3/11, Cục Thuế Nghệ An thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật các doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Liên quan đến cơ sở pháp lý của việc này, Tiến sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, hoãn xuất cảnh được hiểu là dừng, không xuất cảnh có thời hạn với công dân Việt Nam, quy định tại khoản 7 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 .
Theo Luật sư Cường, căn cứ tại khoản 5 điều 36 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Cũng theo quy định tại khoản 7 điều 124 Luật quản lý thuế 2019, trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trước khi xuất cảnh và có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.
Khu vực làm thủ tục xuất nhập cảnh |
Luật sư Cường cho biết, theo quy định tại điều điều 33 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam về điều kiện xuất cảnh thì công dân Việt Nam được xuất cảnh khi không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.
“Tuy nhiên, tại điều 36 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 không quy định về “cấm xuất cảnh” hay “không được xuất cảnh” mà chỉ đưa ra các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh. Tại Điều 21 Văn bản hợp nhất Nghị định số 07/VBHN-BCA (về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam) của Bộ Công an có quy định về việc công dân chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp như đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc liên quan đến công tác điều tra tội phạm; đang chấp hành bản án hình sự; đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế hay để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội... Bộ Công an thống nhất quản lý danh sách công dân chưa được xuất cảnh nêu trên. Như vậy, nhiều người có thể hiểu danh sách này là danh sách cấm xuất cảnh”, Luật sư Cường cho hay.
Theo Luật sư Cường, mặc dù đối tượng nộp thuế là các công ty nhưng quy định tại khoản 7 điều 124 Luật quản lý thuế 2019, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trước khi xuất cảnh và có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.
Thêm nữa, Điều 12 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Tại Điều này cũng quy định doanh nghiệp phải đảm bảo có ít nhất một người đại diện theo pháp luật tại Việt nam, nếu có 1 người đại diện duy nhất tại Việt Nam thì khi xuất cảnh phải làm văn bản ủy quyền cho cá nhân khác cư trú tại Việt nam.
“Như vậy, người đại diện theo pháp luật là người quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp và phải có mặt ở Việt Nam hoặc ủy quyền cho người khác khi xuất cảnh. Trong trường hợp doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế thì việc xuất cảnh của họ có ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước (không thực hiện được việc thu thuế) nên nhằm tăng cường hiệu quả trong quản lý thuế, chống thất thu ngân sách thì quy định như vậy là cần thiết”, luật sư Cường phân tích.
Theo Luật sư Cường, quy định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bị tạm hoãn xuất cảnh đến khi hoàn thành việc nộp thuế là cần thiết. Tuy nhiên, việc này cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống, cá nhân của họ. Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế như thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh thuộc về thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế. Theo đó, người có thẩm quyền sẽ căn cứ vào tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để quyết định việc lựa chọn các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh. Sau khi rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế lập danh sách cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Cơ quan này lập văn bản gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đồng thời gửi cho người nộp thuế biết để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.
“Như vậy, theo quy định thì cơ quan có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để lựa chọn có áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh không và thông báo đến người nộp thuế. Vì vậy, cần có những quy định tiêu chí áp dụng đối với các trường hợp có thể không áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Ví dụ, áp dụng hoãn xuất cảnh đối với tổ chức còn nợ thuế từ 1 tỷ đồng trở lên, đối với cá nhân nợ là từ 50 triệu đồng trở lên, trong đó có khoản nợ trên 90 ngày… Hoặc người đại diện có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước thì hoàn toàn có thể được hủy việc tạm hoãn xuất cảnh”, Luật sư Cường nêu quan điểm.