Tám hiệp hội kiến nghị cụ thể hóa quy định 'sống chung với COVID-19'

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp mong được tạo điều kiện để thuận lợi khi "sống chung với dịch"
Doanh nghiệp mong được tạo điều kiện để thuận lợi khi "sống chung với dịch"
TPO - Theo 8 hiệp hội, nhiều quy định trong dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19” vẫn nghiêng về “zero COVID” thay vì “sống chung”.

Sau khi Bộ Y tế đưa ra dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19”, tối ngày 25/9, 8 hiệp hội gồm Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có văn bản góp ý gửi Thủ tướng Chính phủ.

Theo các hiệp hội, dự thảo đưa ra 5 tiêu chí đánh giá, tuy nhiên nhiều quy định vẫn mang mục tiêu “zero COVID-19” chứ chưa hoàn toàn là “sống chung COVID-19”.

Cụ thể, dự thảo đưa ra quy định trên 80% số người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin. Các hiệp hội cho rằng, với quy định này, TPHCM, địa phương vẫn ở cấp độ 4, còn rất lâu (2-3 tháng nữa) mới có thể mở cửa. Nếu vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế, trong khi sẽ lãng phí vắc xin vì những người tiêm đủ vẫn không được đi làm.

Ngoài ra, dự thảo hướng dẫn vẫn còn nhiều quy định chỉ phù hợp chủ trương “zero COVID-19”, ảnh hưởng lớn tới kinh tế. Chẳng hạn, quy định cách ly tập trung với F0, F1; chỉ điều trị F0 tại nhà với trường hợp dịch ở cấp 3 và 4; hay ngừng hoạt động trung tâm thương mại và cơ sở du lịch, nghỉ dưỡng ở vùng cấp 4...

Tám hiệp hội kiến nghị cụ thể hóa quy định 'sống chung với COVID-19' ảnh 1

Nhiều hàng quán tại TPHCM mở bán trở lại

Theo các hiệp hội, những quy định này chỉ nên áp dụng trong thời gian chuyển đổi. Khi đã sang giai đoạn sống chung với virus, đã tiêm đủ vắc-xin mà vẫn quy định cách ly tập trung F0, F1, truy vết... sẽ rất tốn kém, gây quá tải hệ thống y tế.

Từ đó, các hiệp hội đề xuất với Thủ tướng “áp dụng linh hoạt 2 chiến lược để kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế”, gồm chiến lược cho giai đoạn chuyển tiếp (dự kiến từ nay đến đầu quý I/2022, vùng nào phủ vắc-xin sớm hơn thì mở cửa sớm hơn) và giai đoạn sống chung với COVID-19 (dự kiến từ giữa quý I/2022, có thể sớm hơn nếu tiêm phủ vắc xin sớm hơn).

Trong giai đoạn chuyển tiếp, lại tách 2 vùng theo tình hình dịch để có biện pháp quản lý phù hợp. Vùng 1 là vùng đang bùng phát dịch hiện nay, đề xuất cho phép người đã tiêm đủ vắc xin, F0 đã khỏi được đi làm. Điều chỉnh biện pháp áp dụng mức độ giãn cách cho phù hợp, tùy theo cấp độ dịch, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh, mức độ tiêm vắc-xin.

Đồng thời, kiến nghị không đóng cửa cơ sở sản xuất kinh doanh nếu có F0, có thì đi chữa hoặc tự cách ly, cơ sở khử trùng rồi hoạt động tiếp.

Còn vùng 2 là vùng dịch lây lan chậm hoặc chưa có dịch (thấp hơn 0,7 ca mắc mới/100.000 dân/ngày), cần phòng chống dịch theo điểm chứ không phong tỏa diện rộng.

Trong khi đó, tại giai đoạn sống chung với dịch, 8 hiệp hội đề xuất mở cửa từng vùng và toàn bộ cả nước khi đã tiêm đủ vắc xin cho trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đạt chỉ số 1; giãn cách phù hợp theo cấp độ dịch, nhưng có điều chỉnh nới rộng (sản xuất kinh doanh, giao thông công cộng được phép mở lại 100% ở tất cả cấp độ dịch).

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.