Tám đường binh diệt trừ IS không cần bom đạn

Nhiều quốc gia đang triển khai chiến dịch không kích IS tại Syria và Iraq. Ảnh: DPA.
Nhiều quốc gia đang triển khai chiến dịch không kích IS tại Syria và Iraq. Ảnh: DPA.
Sau khi Pháp đẩy mạnh chiến dịch không kích Nhà nước Hồi giáo, đến lượt chính phủ Anh và Đức đang cân nhắc hành động tương tự, song để tiêu diệt tổ chức khủng bố này không thể chỉ dựa vào bom đạn.

Trước làn sóng bạo lực mà Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gieo rắc khắp thế giới, nhiều biện pháp ngăn chặn đã được chính phủ các quốc gia bàn thảo. Đến nay, giải pháp quân sự đang được sử dụng nhiều nhất. Dù vậy, theo Guardian, còn nhiều lựa chọn khác để tiêu diệt triệt để nhóm khủng bố này.

Diệt trừ kẻ cầm đầu

Abu Bakr al-Baghdadi, kẻ tự nhận mình là "vua" của người Hồi giáo sau khi tuyên bố thành lập IS hồi tháng 6 năm ngoái, hiện là mục tiêu truy đuổi của cả phương Tây và các lực lượng trong khu vực. Một chiến dịch oanh kích khó có thể phát huy hiệu quả, dù đã có nhiều tin tức cho thấy Baghdadi từng vài lần bị thương. Thay vào đó, các cuộc đột kích của lính đặc nhiệm hoặc không kích bằng máy bay không người lái có lẽ sẽ phát huy tác dụng hơn.

Ai đó có thể tranh luận rằng Baghdadi bị tiêu diệt sẽ có tên khác lên thay thế. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng đây vẫn sẽ là tổn thất lớn cho IS về mặt tổ chức. Tiêu diệt Baghdadi và những kẻ thay thế y sau đó sẽ loại trừ được một nhân tố chủ chốt quy tụ lòng trung thành của các phần tử trong mạng lưới. Đồng thời, nó cũng sẽ góp phần châm ngòi cho những cuộc chiến tương tàn giành quyền lãnh đạo trong hàng ngũ IS.

Tất nhiên, một cuộc bố ráp cũng tiềm ẩn nguy cơ tạo ra những hệ quả khó lường, như trường hợp của Osama bin Laden. Cái chết của tên này từng được ca ngợi như chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài của tổ chức khủng bố al-Qaeda, cũng như mối đe dọa từ các phần tử Hồi giáo với phương Tây. Nhưng những gì đang diễn ra dường như cho thấy sự thật không phải vậy.

Giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ

Trọng tâm của các chính sách và chiến dịch không kích nhằm vào IS tại Syria hiện nay là cắt nguồn thu nhập của nhóm này từ buôn lậu dầu mỏ. Một số ước tính cho thấy IS thu về khoảng một triệu USD mỗi ngày từ bán dầu, nhưng đây không phải nguồn thu chính của nhóm. Buôn bán cổ vật đánh cắp hay bắt cóc con tin đòi tiền chuộc cũng càng không, cho dù các hoạt động này vẫn đóng góp đáng kể cho IS. Nguồn tài trợ từ những cá nhân giàu có ở Vùng Vịnh cũng đã khô cạn từ lâu.

Thay vào đó, theo Guardian, nguồn thu lớn nhất của IS là từ thuế. Nhóm này đánh thuế vào mọi hoạt động kinh doanh và cả buôn lậu. Một điều rõ ràng đó là sự tồn tại của IS phụ thuộc vào khả năng mở rộng kiểm soát lãnh thổ. Việc bành trướng này đòi hỏi phải có tiền, nhưng đồng thời cũng tạo ra tiền. Thực tế trên cần được nhìn nhận, và nếu có một chiến lược ở tầm rộng hơn được triển khai, khả năng mở rộng lãnh thổ chiếm đóng của IS sẽ suy giảm.

Tuyên truyền chống IS

Các chiến dịch tuyên truyền của IS vẫn đang diễn ra và chưa thể bị ngăn chặn hoàn toàn. Những video nhóm này tung ra được thiết kế để người xem dễ dàng chia sẻ cùng nhau ở một góc phố hay trong quán cà phê, thậm chí trên giường ngủ của các thanh thiếu niên. Những đoạn phim được dựng bằng kỹ thuật tinh vi thường dài 3 - 4 phút, đầy những hành động rõ ràng, không cần người xem phải suy nghĩ.

Tuy nhiên, dường như ít ai chú ý đến việc vì sao thông điệp của IS có sức lôi cuốn đến thế. Việc chỉ ra rằng ai đó có thể bị giết tại Syria, thay vì sống trong thế giới lý tưởng của Hồi giáo, như những thông điệp tuyên truyền mà Mỹ và các nước khác đang làm, có thể đúng về mặt khách quan. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của nó tới một thiếu niên 17 tuổi không cao, chẳng khác gì những cảnh báo về sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá.

Trái lại, sức hút trong nội dung tuyên truyền của IS nằm ở những hứa hẹn về cuộc sống phiêu lưu, tình anh em và địa vị, theo Guardian.

Ý tưởng khôi phục một vương quốc Hồi giáo, theo cách diễn giải của IS, là nhằm giành lại quyền lực của người theo đạo Hồi, những vinh quang và sự thịnh vượng đã mất sau hàng thế kỷ xung đột với phương Tây.

Trong khi đó, mối quan hệ với những trao đổi văn hóa và thương mại sâu sắc giữa Thiên Chúa giáo và Hồi giáo lại hầu như không được giảng dạy cho học sinh ở bất kỳ đâu tại châu Âu. Và như bà mẹ của một thanh niên Bỉ, 19 tuổi, bị sát hại hồi năm nay từng nói: "Luôn dễ dàng khi viết lên một tờ giấy trắng".

Tăng nguồn lực tình báo

Những tuần qua, thất bại của hệ thống chống khủng bố châu Âu đã được phơi bày. Việc gia tăng năng lực theo dõi không hẳn là giải pháp phù hợp. Nguyên nhân chính đằng sau các vụ tấn công Paris ngoài việc không thể nhận diện mối đe dọa, còn là thất bại trong việc theo dõi sự dịch chuyển của những kẻ tấn công tiềm tàng trong lòng châu Âu, cũng như ở Syria. Biên giới giữa các nước EU có thể không còn, nhưng hàng rào ngăn cách cơ quan an ninh các quốc gia vẫn hiện hữu. Và điều này cần thay đổi.

Ngoài ra, các cơ quan an ninh cũng cần thêm nguồn lực. Đơn vị chống khủng bố của Bỉ chỉ có 600 thành viên, trong khi cần từ 30 - 40 người chỉ để theo dõi 24/24 một nghi phạm. Hệ quả là sự tập trung cao độ chỉ được nhắm vào một nhóm nhỏ đối tượng và mối đe đọa lớn.

Thất bại then chốt khác nằm ở việc ngăn chặn những đối tượng nguy hiểm tới Syria. Một bà mẹ tại Brussels mới đây kể lại câu chuyện cậu con trai 18 tuổi của bà có thể dễ dàng rời khỏi Bỉ bất chấp việc bà đã cảnh báo với lực lượng cảnh sát "chống cực đoan hóa" tại thị trấn Molenbeek. Vì là người trưởng thành nên thanh niên này không thể bị cấm xuất cảnh.

Cực đoan hóa là một quá trình, không phải một sự kiện. Nghiên cứu của đại học Oxford được công bố tuần qua cho thấy hoạt động cực đoan hóa do những kẻ chiêu mộ nặc danh hay người lạ tiến hành là rất hiếm. Đại đa số các trường hợp xảy ra liên quan đến bạn bè hoặc gia đình. Cơ quan nghiên cứu New America cũng chỉ ra rằng hơn 1/4  các tay súng phương Tây đang chiến đấu tại Syria có mối liên hệ gia đình với những kẻ cực đoan.

Một nghiên cứu khác của đại học Pennsylvania với 120 phần tử bị nghi là những tên khủng bố dạng "sói đơn độc" cho thấy có tới 64% trường hợp bạn bè và gia đình những kẻ này biết về ý định của nghi phạm do chính người đó nói ra. Điều này giúp gợi mở những biện pháp tốt hơn để "chống cực đoan hóa", hoặc ngăn chặn ai đó đến với chủ nghĩa cực đoan.

Củng cố chính quyền địa phương

Biện pháp này đơn giản về mặt ý tưởng nhưng lại khó triển khai, với hai chiến lược theo hướng rộng và hẹp. Chiến lược hẹp tập trung vào xây dựng năng lực chống khủng bố, hoặc chống nổi dậy tại các quốc gia đang phải chiến đấu với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trên chính lãnh thổ của mình, hoặc củng cố những liên minh địa phương.

Dù vậy chiến lược gián tiếp này có những giới hạn lớn và từng nhiều lần chứng kiến những thất bại thảm hại. Nó cũng tạo ra những khó khăn trong việc xác định loại chính phủ nào sẽ được nhận hỗ trợ.

Chiến lược rộng hơn sẽ xem việc tăng cường năng lực quản lý của chính phủ là chìa khóa trong cuộc chiến chống khủng bố. Có thể thấy khắp từ Tây Phi tới vành đai Thái Bình Dương, nơi nào các phiến quân Hồi giáo phát triển mạnh mẽ cũng là nơi các chính phủ có vai trò yếu hoặc đang theo đuổi ý đồ riêng hay đơn giản là không tồn tại. Có thể kể tới Libya, Nigeria, Somalia, Afghanistan, Syria và Iraq, Yemen, một số khu vực tại Pakistan…Nếu trong ngắn hạn, trọng tâm là chiến đấu đẩy lùi IS thì trong dài hạn những thực tế cơ bản này phải được tính tới.

Quan tâm tới cộng đồng người di cư

Điều này hoàn toàn rõ ràng và hiển nhiên. Một thanh niên trẻ người Anh, Đức hoặc Italy có gốc là người nhập cư  rất dễ trở thành đối tượng bị phân biệt đối xử ngầm hoặc công khai. Trong khi hành động can thiệp vào Iraq lại được xem như nằm trong âm mưu của phương Tây lâu nay nhằm chia rẽ, làm bẽ mặt và thống trị thế giới Hồi giáo.

Cảm nhận chung của họ, như một thiếu niên tại thị trấn Molenbeek từng nói với cha mẹ người Morocco của mình trước khi tới Syria, đó là cảm giác lạc lõng tại miền đất mới, trong khi bị xem là người nước ngoài tại quê hương cũ.  

Vấn đề là phải ứng phó ra sao? Theo đuổi sự thực dụng của người Anh? Hay áp dụng mô hình dân chủ nghiêm ngặt của Pháp? Hiện ai cũng biết rằng, do châu Âu mời gọi một lượng lớn công nhân nhập cư để giúp tái thiết các thành phố và nền kinh tế trong những năm 1950 và 1960, chưa thể tìm một câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này.

Gia tăng việc làm

Các vụ tấn công khủng bố Paris dường như đã được lên kế hoạch và chỉ đạo từ Brussels bởi một nhóm thanh niên sống và lớn lên gần nhau tại thị trấn Molenbeek. Tại đây, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên là rất cao, khoảng 40%.

Và một yếu tố đáng chú ý từng được một nhà giáo dục chỉ ra hồi tuần trước, đó là không có kẻ nào rời thị trấn Molenbeek tới Syria phải chịu trách nhiệm tài chính cho người khác. Đương nhiên, những kẻ trở về để gây ra bạo lực cũng vậy.

Mọi chuyện có thể sẽ khác đi nếu những người này cảm thấy mình có những nghĩa vụ không thể trốn tránh. Và có lẽ, từ việc phải lao động để thực hiện trách nhiệm về tài chính với những người phụ thuộc, sẽ giúp họ có một vị trí nào đó, và một vị thế giúp bảo vệ họ trước hoạt động cực đoan hóa.

Chuẩn bị đối phó với các vụ tấn công

Từ "bền chí" đang bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều trong các cuộc bàn luận về biện pháp cần thực hiện để giảm nhẹ tác động tiềm tàng của một vụ tấn công. Phần nhiều những biện pháp đó mang tính kỹ thuật và liên quan đến huấn luyện, nâng cao chiến thuật và tăng đầu tư cho trang thiết bị.

Nhưng sự bền chí còn có hàm ý sâu xa hơn, đó là khả năng của những đối tượng có thể bị tấn công cùng chống lại việc dùng bạo lực để làm lây lan nỗi sợ hãi. Đây chính là điều những kẻ khủng bố sẽ cố gắng gieo rắc. Bởi khi sự sợ hãi bao trùm xã hội, nó sẽ tạo ra những tình huống mới, khiến các mục tiêu của khủng bố dễ đạt được hơn.

Do vậy, một nhân tố quan trọng để đánh bại IS đó là chấp nhận rằng những chiến dịch khủng bố mới là không tránh khỏi, và sẽ còn có thêm những người vô tội thiệt mạng, còn thêm những cảnh tượng kinh hoàng trên mặt báo hoặc truyền hình.

Hình ảnh các máy bay ném bom cất cánh từ tàu sân bay, lên đường phá hủy các mục tiêu của IS tại Raqqa hay Deir Ezzor có thể tạm thời xóa mờ viễn cảnh không mong muốn đó. Dù vậy, những chu kỳ bạo lực khủng bố trước đây cho thấy nó thường kéo dài 10 - 20 năm, với giai đoạn đỉnh điểm ở khoảng 1/3 chu kỳ. Vậy nên hình ảnh những chiếc máy bay, quân sự hay dân sự, cất cánh sẽ còn tiếp tục trong vài năm nữa. Và ai cũng biết chúng ta đều cần phải sống.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG