Tạm dừng phiên xử vụ Dương Chí Dũng vì có tài liệu mới

Quang cảnh phiên xét xử phúc thẩm. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh phiên xét xử phúc thẩm. Ảnh: TTXVN
TP - Chiều qua (28/4), khi Tòa đang thẩm vấn, bỗng xuất hiện một số tài liệu mới từ nước Nga được đánh giá là quan trọng, góp phần làm rõ bản chất vụ án. Do không thể nghiên cứu tại chỗ, Tòa buộc tạm dừng xét xử vụ án, sáng nay (29/4) tiếp tục làm việc.

“Sơn khủng khiếp quá ạ!”

Sáng qua, Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục phiên xử Dương Chí Dũng cùng đồng phạm liên quan đến những sai phạm tại Vinalines. Trả lời Tòa, cựu Tổng GĐ Vinalines đã phải thốt lên “Trần Hải Sơn khủng khiếp quá ạ!”, khi nói về những lời khai của Sơn liên quan đến khoản “lại quả” 1,66 triệu USD.

Vị chủ tọa trích đọc bút lục lời khai của bị cáo Phúc trong quá trình điều tra. Theo đó, Phúc cho rằng, việc ông Goh chuyển 1,66 triệu USD chắc chắn phải có lý do, có sự chỉ đạo của Dương Chí Dũng. Bị cáo Phúc thừa nhận lời khai này. Tuy nhiên “đến giờ bị cáo mới thấy, Sơn thật khủng khiếp quá ạ” - Mai Văn Phúc nói trước Tòa.

“Tôi không chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Dương Chí Dũng, nhưng trong cuộc họp, ông Dũng chỉ đạo tôi mua ụ nổi 83M, nếu không mua, “tôi sẽ kỷ luật và báo cáo Thủ tướng cách chức anh” - HĐXX trích đọc lời khai của bị cáo Phúc trong quá trình điều tra. Sau đó, Tòa yêu cầu bị cáo Dương Chí Dũng đối chất có hay không việc dọa đuổi việc ông Phúc, song ông Dũng đã phủ nhận.

Quá trình thẩm vấn, HĐXX xác nhận lại mối quan hệ giữa Dương Chí Dũng và ông Goh, với nội dung: “Ai là người đàm phán với Cty AP để mua ụ nổi 83M?” – vị chủ tọa hướng câu hỏi đến bị cáo Dũng. Trả lời Tòa, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines cho rằng, “theo bị cáo, có lẽ do Mai Văn Phúc giao cho cấp dưới. Vì việc này do Tổng GĐ quyết định chứ HĐQT không tham gia. Nếu trong vụ việc mua ụ nổi 83M, nếu có tư lợi, bị cáo sẽ bàn bạc riêng với Goh rồi ạ”.

Bị cáo Dũng cũng tiếp tục cho rằng mình bị oan, lời khai “có dấu hiệu dàn dựng”, khi HĐXX trích đọc một số lời khai liên quan đến thương vụ mua ụ nổi 83M và chia chác 1,66 triệu USD...

Biết rõ ụ nổi hỏng trước khi mua

Cũng trong sáng qua, bị cáo Trần Hữu Chiều (SN 1952, cựu Phó tổng giám đốc Vinalines) khai biết rõ ụ nổi 83M đang hỏng hóc, nhưng vẫn mua về để “sửa chữa rồi sử dụng”. Bị cáo Chiều được đánh giá là người có thẩm quyền chỉ sau Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. Bị cáo Chiều không có thẩm quyền trong việc đề nghị và quyết định mua ụ nổi, nhưng là người thực hiện rất tích cực.

Đến căn hộ chung cư, tả cổng nhà rất tỉ mỉ

Bị cáo Trần Hải Sơn tái diễn những ấp úng trong các lời khai của mình trước tòa. Khi HĐXX trích dẫn một số lời khai của Sơn trong việc từng đến nhà Dương Chí Dũng cũng như Mai Văn Phúc đưa hàng tỷ đồng, Sơn khai đến nhà chung cư để đưa tiền, nhưng lại miêu tả tỉ mỉ “cổng nhà” của căn hộ chung cư đó.

Liên quan đến nội dung có 2 mức giá trong thương vụ ụ nổi, HĐXX đặt câu hỏi: “Khi khảo sát giá chào hàng dưới 5 triệu USD, nhưng khi làm hợp đồng mua trình cấp trên có phải 9 triệu không?”. Bị cáo Chiều giải thích, đó là giá chào hàng của 2 Cty khác nhau. Vị chủ tọa tiếp tục “xoáy” vào chuyện hồ sơ mua bán ụ nổi có thiếu sót, nhưng vẫn được thông qua, ông Chiều phân trần: “Chỉ khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới phát hiện ra”. Ông Chiều cũng thừa nhận, từ phiên sơ thẩm, đã thấy mình cố ý làm trái rồi, chỉ mong Tòa xem xét đến tính thời điểm của vụ việc để giảm án cho mình.

Với số tiền 340 triệu đồng nhận từ Trần Hải Sơn, bị cáo buộc là khoản “lại quả” được chia chác từ số tiền 1,66 triệu USD, ông Chiều khẳng định, đó là chuyện vay mượn riêng với Trần Hải Sơn, và đã được Sơn khẳng định: “Đây là tiền của Cty riêng nhà em, không liên quan gì đến ụ nổi”.

Xoay quanh chuyện động cơ, mục đích mua bán ụ nổi, ông Chiều cho hay, đó là “nhu cầu bức thiết phục vụ cho dự án”. “Nhưng dự án đã được duyệt đâu. Hơn nữa, biết rõ ụ này đang hỏng hóc sao còn mua? – nữ thẩm phán lên tiếng. Ngay lúc đó, bị cáo Chiều thật thà: “Dạ, mua về để sửa chữa rồi hoạt động ạ. Bị cáo hoàn toàn không có động cơ tham ô ạ”.

Nhiều mâu thuẫn trong lời khai

Trong phiên thẩm vấn chiều qua, các luật sư tiếp tục tập trung “khai thác” nhân vật được coi là quan trọng số 1 trong việc buộc tội Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. Song, bị cáo Trần Hải Sơn tiếp tục thể hiện dấu hiệu “đãng trí” khi liên tục nói “đã quên” hoặc thoái thác trả lời.

Liên quan đến việc bị cáo Sơn khai về quê nhà Mai Văn Phúc đưa tiền, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đã thẩm vấn cựu Tổng GĐ Vinalines – Mai Văn Phúc để làm rõ. Bị cáo Phúc dẫn chứng, Sơn khai khi về quê ông Phúc, Sơn đã đưa tiền ở giữa nhà, có bàn ghế ngồi uống nước. Song ông Phúc khai giữa nhà mình chỉ kê ban thờ tổ tiên, bàn uống nước kê ở góc nhà...

Luật sư Thiệp cũng làm rõ nội dung bị cáo Sơn đã cho em gái 2 tỷ đồng, sau thương vụ “chia chác” 1,66 triệu USD hoàn thành. Trong đó, em gái Sơn là người đã hỗ trợ anh trai mình khi lập tài khoản, nhận và chuyển hàng chục tỷ đồng cho anh trai để “lại quả” cho “các anh”.

Tạm dừng xét xử vì xuất hiện tài liệu mới

Cũng nhằm chứng minh lời khai của Trần Hải Sơn “có vấn đề”, luật sư Hoàng Huy Được dẫn chứng, quá trình thẩm vấn, ông Sơn khẳng định không bao giờ nói chuyện tiền nong với em gái. Tuy nhiên, tại tòa, Trần Hải Hà (em gái Sơn) lại khai sau khi rút tiền từ tài khoản do Cty AP gửi về, bà Hà đã đi đổi tiền cho anh trai. Lúc đó, ông Sơn có nói: “Chuyển tiền này cho anh Dũng trên Tổng Cty”.

Luật sư Được kết luận, lời khai của Trần Hải Sơn có nhiều điều mâu thuẫn. Phản bác lại quan điểm của luật sư, bị cáo Sơn cho rằng: “Vừa khai xong, bảo khai lại còn quá khó, nói gì đến những tình tiết từ lâu rồi”.

Phiên thẩm vấn đang diễn ra khá “nóng”, bất ngờ vị chủ tọa tuyên bố tạm dừng để hội ý do xuất hiện một số tài liệu mới. Theo đó, phía Phòng Nội vụ Liên bang Nga tại TP Nakhodka đã gửi đến TAND Tối cao Biên bản thẩm vấn nhân chứng, do Đội trưởng Đội Tư pháp thực hiện tại phòng dịch vụ Cty Cổ phần Nakhodka Ship Repair Yard.

Những nhân chứng này được cho là liên quan đến vụ án, nhất là trong thương vụ mua ụ nổi 83M. Viện kiểm sát Liên bang Nga cũng đã gửi đến Viện KSND Tối cao Việt Nam một số tài liệu, theo yêu cầu tương trợ tư pháp liên quan đến vụ án.

“Do không đủ thời gian nghiên cứu tại tòa, chúng tôi tạm dừng phiên xử, sẽ mở lại vào sáng mai (29/4)” – vị chủ tọa lên tiếng.

MỚI - NÓNG
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
TPO - Năm 2025, tiền lương bình quân của người lao động tại Cần Thơ đạt hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng. Người được trả lương cao nhất tại Cần Thơ là hơn 151 triệu đồng/tháng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
TP - Việc các concert “anh trai” được tổ chức liên tục (6 đêm trong vòng hai tháng) vẫn thu hút hàng trăm nghìn lượt khán giả đương nhiên là tín hiệu tốt cho ngành tổ chức biểu diễn, mở ra hướng đi mới cho công nghiệp văn hóa. Nhưng làm nên chuyện không chỉ do các nghệ sĩ. Lần đầu tiên có dấu hiệu khán giả không chỉ thần tượng nghệ sĩ mà hâm mộ gameshow góp phần tạo nên những thần tượng đó…
Thành phố khởi nguồn hạnh phúc - bài cuối: Bắt 'trend' khuấy động du lịch
Thành phố khởi nguồn hạnh phúc - bài cuối: Bắt 'trend' khuấy động du lịch
TP - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu từng đánh giá Đà Nẵng là địa phương điển hình của đổi mới sáng tạo, luôn tìm cách để du khách trải nghiệm, thụ hưởng cảnh quan, đắm chìm trong các sự kiện, lễ hội nhiều nhất. Thành phố bước vào mùa mưa lạnh cuối năm với thời tiết nhiều bất lợi nhưng vẫn không “ngủ vùi trong chăn” mà liên tục tung ra sản phẩm, thổi luồng khí ấm cho du lịch Đà Nẵng.