Trong buổi chiếu ra mắt báo chí một ngày trước ra mắt, nhà phát hành Taken 3 tại Việt Nam còn dông dài giới thiệu hậu trường phim: Phim đầu tiên ra rạp Việt năm 2015 và Liam Neeson tuyên bố, nếu phần ba vẫn để con gái bị bắt cóc nữa, hóa ra cựu điệp viên CIA Bryan Mills là ông bố chẳng ra gì.
Thế là nhà biên kịch Luc Besson phối hợp Robert Mark Kamen bẻ hướng, cho Bryan trở thành nghi phạm chính trong vụ sát hại vợ cũ - Lenore. Anh phải trốn chui trốn nhủi, chịu sự truy đuổi của cảnh sát và cả những tên tội phạm Nga khét tiếng.
Hành động không phải là điểm mạnh của phần kết này, thậm chí các màn bắn giết khá sạch sẽ, không máu me gớm ghiếc. Có lẽ bởi Bryan Mills cho thấy dấu hiệu tuổi già chậm chạp, cô con gái Kim Mills (Maggie Grace) bắt đầu trưởng thành.
Từng là cỗ máy giết tội phạm trong phần 1 Taken năm 2008 để giải cứu con gái, nay Bryan khắc khổ, cô đơn và đầy bối rối trong mối quan hệ với con gái và vợ cũ.
Một số người hâm mộ lên án nhà biên kịch cạn kiệt ý tưởng sáng tạo, khi biến loạt phim ăn khách mang dấu ấn Pháp thành bộ phim hành động Mỹ thiếu đột phá, câu chuyện không mấy ăn nhập với hai phần trước.
Bối cảnh phim diễn ra tại California tuy thế hợp với mong muốn rửa tay gác kiếm của Bryan. Lý do này còn giúp đạo diễn Olivier Megaton đẩy cao giá trị tình cảm gia đình, tính nhân văn để phim bớt tính bạo lực.
Taken 3, thực tế không ai bị bắt cóc cả dù có bi kịch dành cho vợ cũ của Bryan. Khán giả Việt được xem phim cùng ngày với Mỹ.
Đạo diễn kéo tâm trạng khán giả chùng xuống với những cảnh quay đặc tả tình cảm Bryan dành cho vợ cũ, đặc biệt là sự trìu mến dành cho con gái. Nay có tuổi, nhưng ngay khi tai họa ập xuống Bryan lập tức trở lại là ông bố hết mức yêu thương, sẵn sàng đánh đổi mọi thứ cho sự an toàn của con.
Đổi lại, tình huống hai cha con phối hợp ăn ý để qua mặt thiết bị theo dõi của cảnh sát, hay cảnh Kim né người cho cha hạ gục tội phạm đều theo dụng ý đẩy cao tình cảm gia đình của các nhà làm phim.
Trong 48 triệu USD kinh phí làm phần ba này, thù lao của Liam Neeson chiếm đến 20 triệu USD. Đây cũng là phần cho Liam nhiều đất diễn xuất tâm lý hơn cả, đặc biệt trong phân đoạn đối diện mất mát. Có người cho rằng nhà sản xuất phí phạm sự xuất hiện nam diễn viên Oscar, Forest Whitaker trong vai cảnh sát Dotzler.
Hai đối thủ xứng tầm có vẻ không có nhiều cơ hội phát triển bộ phim sống động gay cấn hơn. Tuy thế, diễn xuất của nam diễn viên da màu này, sự suy luận sắc bén cùng với những đoạn thoại lạ, thú vị mang lại cho khán giả nhiều pha dễ chịu.
Trong phần này cũng có sự lặp lại thoại ở phần 1, nhưng có sự đổi ngữ cảnh thú vị: Bryan hay nói với tên bắt cóc: Tao sẽ truy tìm mày, tìm thấy mày và giết mày. Dotzler nói với Bryan: Cảnh sát sẽ truy tìm anh, tìm thấy anh và ngăn chặn anh. Bryan đáp gọn lỏn: Chúc may mắn.
Dù có nhiều điểm hạn chế, Taken 3 có những nút thắt, mở tốt, khiến người xem phải động não. Nhân vật cũng được dịp tư duy hơn là động thủ, gần cuối phim thủ phạm thực sự mới lộ mặt.
Có thể thấy phần ba này hơn phần hai, nhưng tất cả không thể sánh bằng phần một đầy thông minh cả về trinh thám lẫn hành động. Taken 3 không thoát khỏi thực tế - phần ăn theo sau dù doanh thu vẫn cao, nhưng luôn bị so sánh khắt khe, khó thoát cái bóng của phần đầu tiên.