Anh Nguyễn Trung Thành (31 tuổi, quê Quảng Nam), lái xe du lịch cho hay: “Hầm trước đây cũng có vết nứt, nhưng mấy bữa nay mỗi lần qua hầm tôi để ý nứt nhiều, chằng chịt hơn, nhất là ở phía Nam hầm. Tình trạng này khiến chúng tôi không khỏi hoang mang”.
Theo ghi nhận, nhiều mảng tường hai bên hầm vết nứt chằng chịt từ trên xuống dưới. Một số đoạn vết nứt nở to, kéo dài ra. Người dân cho rằng vết nứt ngày càng nhiều là do ảnh hưởng từ việc nổ mìn làm hầm Hải Vân 2.
Đại diện Công ty CP Đèo Cả - đơn vị quản lý vận hành hầm cho hay, vết nứt hầm Hải Vân đã có trước khi công ty nhận bàn giao quản lý hầm vào tháng 12/2015. Cụ thể vỏ hầm có 209 vết nứt, chiều rộng vết nứt lớn nhất là 3mm, kết quả đo dao động cho thấy vỏ hầm đảm bảo khả năng chịu lực.
“Theo quy trình quản lý vận hành hầm Hải Vân thì hàng ngày từ 3-4h sáng sẽ đóng hầm để vệ sinh, bảo dưỡng. Tuy nhiên trong các dịp nghỉ lễ, xí nghiệp quản lý vận hành không đóng hầm để phục vụ lưu thông thông suốt. Trước, sau các dịp lễ sẽ tăng cường vệ sinh, tẩy rửa thành hầm để đảm bảo độ sáng. Do đó các vết nứt, vết bong sơn bị bụi bẩn bám vào thấy rõ hơn so với thông thường khiến tâm lý các lái xe lo ngại”, vị này giải thích.
Về nghi vấn vết nứt trên vỏ hầm là do ảnh hưởng từ việc thi công hầm Hải Vân 2, Công ty CP Đèo Cả thông tin trước khi tiến hành thi công hầm Hải Vân 2 vào năm 2016 và nổ mìn vào tháng 3/2017, chủ đầu tư mời các đơn vị thực hiện khảo sát vết nứt, đánh giá vỏ hầm. Kết quả toàn bộ vỏ hầm có 321 vết nứt, tập trung chủ yếu ở đoạn phía Nam, trong đó có 275 vết nứt được đánh giá an toàn với chiều rộng <2mm, 51 vết nứt còn lại cần khảo sát chi tiết hơn. Ngoài ra có nhiều vết nứt xuất hiện do bong tróc lớp sơn, không ăn sâu vào kết cấu vỏ hầm. Từ khi triển khai thi công, đã có nhiều đợt kiểm tra của Bộ GTVT và các cơ quan chức năng khác, xác định quá trình thi công nổ mìn hầm Hải Vân 2 chưa thấy xuất hiện các vết nứt mới và các vết nứt hiện hữu không có sự phát triển. Tuy nhiên, đơn vị này cũng nhìn nhận việc nổ mìn hầm Hải Vân 2 có ảnh hưởng rung chấn nhất định đến hầm Hải Vân.
Đơn vị này cho biết thêm, việc quan trắc vết nứt được thực hiện 2 lần/ngày sau mỗi lần nổ mìn thi công hầm thứ 2. Mỗi tháng 1 lần báo cáo hiện trạng hầm về đơn vị quản lý. Định kỳ 3 tháng sẽ có đợt kiểm tra từ cơ quan quản lý nhà nước. Về việc xử lý vết nứt, Bộ GTVT đã chỉ đạo giữ nguyên các vết nứt, không sơn lại lớp sơn đã bong tróc để tiếp tục quan trắc, kiểm tra giám sát trong quá trình thi công hầm Hải Vân 2.