Theo Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, hiện nhà đầu tư đang đứng trước nguy cơ không thể tiếp tục công tác vận hành hầm Đèo Cả và hầm Hải Vân do hàng loạt vướng mắc, bất cập kéo dài không được Bộ GTVT giải quyết, tháo gỡ dứt điểm. Trong đó có việc đại diện nhà nước thực hiện chưa đúng cam kết với nhà đầu tư.
Theo đó, hợp đồng BOT giữa Bộ GTVT với nhà đầu tư để thực hiện Dự án hầm Cổ Mã và hầm Đèo Cả, nhà đầu tư được thu phí từ 60.000 – 288.000 đồng/lượt (tuỳ tải trọng xe). Tuy nhiên, Thông tư 35/2016, mức phí tối đa nhà đầu tư được thu từ 52.000 – 200.000 đồng/lượt (tuỳ tải trọng xe).
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đèo Cả Lưu Xuân Thủy cho hay, hầm Đèo Cả thu phí từ tháng 9/2017 tới nay, theo Thông tư 35, nhưng thấp hơn hợp đồng Bộ GTVT ký với nhà đầu tư.
“Chỉ tính 10 tháng đầu năm nay, chúng tôi hụt thu hơn 65 tỷ đồng so với hợp đồng ký với Bộ GTVT. Dù chúng tôi nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ GTVT tháo gỡ vướng mắc, nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết. Khiến nguồn tài chính để duy trì hoạt động hầm Cổ Mã và hầm Đèo Cả gặp khó khăn. Trường hợp không giải quyết được, đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng thực hiện tiếp nhận lại hầm Đèo Cả để vận hành khai thác, tránh phải dừng vận hành hầm”, ông Thuỷ nói.
Với dự án nâng cấp hầm Hải Vân 1 và xây dựng mới đường hầm thứ 2, theo hợp đồng BOT giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư, sau khi hoàn thành sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân 1, từ tháng 1/2017 nhà đầu tư được thu phí để thu hồi vốn. Tuy nhiên, do vướng trạm thu phí BOT Phước Tượng – Phú Gia (trạm Bắc Hải Vân) nên nhà đầu tư chưa thể lập trạm thu phí cho dự án Hải Vân 1 – do 2 trạm thu phí quá gần nhau.
Để giải quyết, Bộ GTVT cho dự án Phước Tượng – Phú Gia và hầm Hải Vân 1 được thu chung 1 trạm để thu phí hoàn vốn cho 2 dự án.
Theo ông Thuỷ, phương án tạm trên vẫn chưa giải quyết được khó khăn về tài chính của nhà đầu tư, khi nhà đầu tư đã bỏ ra hơn 1.200 tỷ đồng nâng cấp hầm Hải Vân 1, và ứng trước 315 tỷ đồng duy trì vận hành hầm. Tháng 9/2018, Bộ GTVT đã báo cáo thực trạng dự án trên lên Thủ tướng.
Thậm chí, mới đây Điện lực Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã có văn bản “doạ” cắt điện cho hầm Hải Vân 1, khi đơn vị vận hành đang nợ hơn 2 tỷ đồng tiền điện. Đây là văn bản đòi nợ tiền điện thứ 4 được điện lực phát đi.
“Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT giải quyết những khúc mắc trên, nếu Bộ GTVT không đảm bảo được nguồn kinh phí vận hành hầm Hải Vân từ ngày 5/11 tới, hoạt động hầm không an toàn Bộ GTVT sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”, ông Thuỷ khẳng định.
Theo nhà đầu tư, hiện Bộ GTVT đang vi phạm hợp đã ký, đẩy nhà đầu tư vào khó khăn, nên nhà đầu tư phải xem xét báo cáo Thủ tướng để đề nghị Bộ GTVT tiếp nhận lại dự án Đèo Cả, Hải Vân.
Trước đó, khi họp với Bộ GTVT hồi tháng 6 vừa qua, nhà đầu tư cũng từng đề nghị nhà nước giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư, nếu không sẽ trả lại hầm Hải Vân 1 cho nhà nước.
Trong khi đó, phía Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) cho hay, đơn vị này đã làm việc với nhà đầu tư và có báo cáo Bộ GTVT quyết định.
Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả, gồm: Hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân được thực hiện theo hình thức BOT, với tổng vốn đầu tư 26.154 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ dự án 5.048 tỷ đồng và vốn BOT là 21.106 tỷ đồng. Nhà đầu tư thu hồi vốn qua thu phí, với thời gian khoảng 29 năm.