Tại sao học sinh giỏi tăng đột biến?

0:00 / 0:00
0:00
Biểu đồ số lượng học sinh giỏi của TPHCM 5 năm qua. Biểu đồ: Nguyễn Dũng
Biểu đồ số lượng học sinh giỏi của TPHCM 5 năm qua. Biểu đồ: Nguyễn Dũng
TP - Số lượng học sinh giỏi tăng đột biến, những lùm xùm liên quan cuộc thi Khoa học kỹ thuật là hai vấn đề đang khiến dư luận đặt câu hỏi: Có hay không bàn tay tham gia của người lớn vào “sân chơi” của học sinh?

Sau một năm, số học sinh giỏi tăng gần gấp đôi

Sở GD&ĐT TPHCM vừa công bố kết quả kỳ thi học sinh giỏi (HSG) cấp thành phố năm học 2020-2021, với 6.035 học sinh lớp 9 và lớp 12 đoạt giải nhất, nhì, ba. Đây là số HSG cấp thành phố cao nhất ở TPHCM trong 5 năm qua.

Báo cáo của Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế cho thấy, số học sinh dự thi và đoạt giải kỳ thi HSG lớp 12 cấp tỉnh năm nay cũng cao hơn hẳn năm trước. Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 1.133/2.481 học sinh dự kỳ thi HSG cấp tỉnh giành giải. Trong số học sinh đoạt giải, có 267 em thi khối chuyên (được lựa chọn thành đội tuyển dự thi HSG quốc gia) và 872 em thi khối không chuyên. Năm học 2019-2020, Thừa Thiên - Huế có 2.316 học sinh dự thi và chỉ có 958 em giành giải tại kỳ thi HSG cấp tỉnh.

Tại sao học sinh giỏi tăng đột biến? ảnh 1

Dự án của học sinh tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia 2021

Theo Sở GD&ĐT Đà Nẵng, năm học 2020-2021, thành phố có 4.504 học sinh dự thi HSG cấp thành phố. Kết quả, có 443 em đoạt giải nhất, 700 em giải nhì, 849 em giải ba và 1.090 em giải khuyến khích. So với kết quả thi HSG lớp 9, lớp 12 hai năm học trước, số học sinh đoạt giải năm nay tăng 220.

Không chỉ số lượng giải HSG tăng mà kết quả học bạ của học sinh cũng đẹp hơn trước. Do có điều kiện dạy học ở một vài trường tại Hà Nội, thầy N.T.L. tự khảo sát kết quả học tập của học sinh ở một trường THPT chuyên và một trường có tiếng tại thành phố. Kết quả cho thấy, 2 năm gần đây có sự “mềm hoá” rõ rệt trong kiểm tra đánh giá. Thầy nói rằng, thống kê phổ điểm trung bình thi học kỳ, tổng kết đều tăng ít nhất 0,2-1,0 tính trên thang điểm 10. Theo thầy N.T.L., đây là hệ quả của việc xuất hiện nhiều cơ hội dành cho học sinh có chứng chỉ quốc tế và học bạ đẹp thông qua phương án tuyển sinh riêng của các trường ĐH.

“Sàn đấu” của các nhà khoa học?

Năm nay, ngay sau khi kết thúc vòng chung kết quốc gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT), dư luận băn khoăn khi dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của nhóm học sinh trường THPT Hoa Lư A, Ninh Bình giành giải nhất. Trước đó, năm 2019, một đề tài tương tự có tên “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” cũng của học sinh trường này giành giải nhất cuộc thi KHKT cấp tỉnh, sau đó giành giải nhì cấp quốc gia trong cùng năm. Cả hai dự án có cùng một giáo viên hướng dẫn. Theo lý giải của lãnh đạo Sở GD&ĐT Ninh Bình, 2 dự án dành cho 2 đối tượng khác nhau (người bệnh, người chăm sóc).

Năm 2019, nhiều phụ huynh học sinh ở Hải Phòng cho rằng, 5/15 giải nhất quốc gia không sáng tạo, có ý tưởng, giải pháp trùng lặp với kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học chuyên sâu trong và ngoài nước.

Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp quốc gia được tổ chức qua 9 năm. Từ năm 2019 trở về trước, theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi đơn vị dự thi được cử không quá 6 dự án dự thi cấp quốc gia. Tuy nhiên, sau một số ồn ào từ giải thưởng cuộc thi này, từ năm học 2019-2020, Bộ GD&ĐT chỉ cho phép mỗi đơn vị dự thi được cử tối đa 2 dự án, riêng Hà Nội, TPHCM và đơn vị đăng cai được cử tối đa 4 dự án. Do vậy, tiếng là sân chơi nhưng lại không khuyến khích người chơi một cách thoải mái. Cũng vì hạn chế số lượng nên có tâm lý phải là những dự án thật hoành tráng mới xứng tầm đi thi. Nhiều nhà khoa học nhận định, có những đề tài phải cỡ siêu máy tính nước ngoài mới cho ra được đáp số.

TS. Lê Văn Út, trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng, nếu nâng hoạt động này lên mức như nghiên cứu thực thụ, có thể dẫn tới hậu quả học sinh dễ ngộ nhận về nghiên cứu khoa học. Khi được hướng dẫn và tham gia thực hiện, các em sẽ cảm nhận được vai trò, tự hào với những đóng góp của bản thân, hơn là được “dọn sẵn” và cố gắng trả lời trôi chảy trước ban giám khảo.

Ông Út nêu ra 3 vấn đề cần được quan tâm. Đó là tiêu chí đánh giá phải làm sao để học sinh chỉ cần áp dụng nội dung trong chương trình học hoặc có thể tham khảo thêm kiến thức nâng cao nhưng vừa sức. Tiếp đến là xem xét giới hạn các lĩnh vực và lĩnh vực chuyên sâu sao cho không vi phạm theo hướng “vượt khung”, biến tướng. “Ví dụ, những đề tài thuộc giới hạn chuyên sâu được học sinh triển khai và mang đi dự thi thời gian vừa qua như gien và di truyền, hóa - sinh - y, hóa - sinh cấu trúc, chẩn đoán và điều trị trong y học, phát triển và thử nghiệm dược liệu, dịch tễ học, thiên văn học và vũ trụ học, vật lí nguyên tử, kiểm định thuốc...

Những đề tài này sẽ khó chỉ dừng ở mức nuôi dưỡng đam mê mà đòi hỏi học sinh phải làm việc như những nhà khoa học thực thụ với thiết bị tối tân và các nguồn lực rất mạnh. Khi đó, chắc chắn rằng mục tiêu chỉ tạo sân chơi sẽ không còn nhiều ý nghĩa, mà rất có thể sẽ là “sàn đấu” của các chuyên gia đứng phía sau”, ông Út nhận định. Tiêu chí cuối cùng là quyền lợi của học sinh khi đoạt giải cần xem xét lại cẩn thận hơn. Khi giải thưởng mang về quyền lợi to lớn, có ý nghĩa quyết định sự nghiệp thì rất có thể phụ huynh, học sinh sẽ dốc sức và có khi dùng mọi giá để giành được.

Học sinh thi nhiều hơn

Về việc số lượng HSG tăng đột biến, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, năm nay số lượng các trường và học sinh đăng ký tham gia thi HSG nhiều hơn. Trước đây, Sở quy định mỗi trường THPT chỉ được cử dự thi tối đa 5 học sinh/môn thi. Năm nay, mỗi trường được cử tối đa 10 học sinh/môn thi. Ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú, TPHCM), cho rằng, kết quả HSG không chỉ có lợi cho học sinh mà còn cho cả nhà trường. “Số lượng HSG qua các kỳ thi càng nhiều chứng tỏ chất lượng càng tốt, sẽ giúp cho thương hiệu của trường ngày càng lớn thêm, qua đó việc tuyển sinh cũng sẽ dễ dàng hơn khi được nhiều học sinh, phụ huynh biết đến, tin tưởng... Đạt danh hiệu HSG là vinh dự của học sinh, gia đình, tăng thêm cơ hội vào đại học với các em”, ông nói.

Mới đây, TPHCM chấp thuận đề xuất của Sở GD&ĐT TPHCM về việc thưởng gấp 10-20 lần đối với học sinh đoạt giải từ cấp thành phố đến quốc tế. Theo đó, học sinh, học viên đoạt giải nhất trong các kỳ thi HSG cấp thành phố được thưởng 5 triệu đồng (cấp tiểu học), 10 triệu đồng (THCS), 12 triệu đồng (THPT). Nguyễn Dũng

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.