Vụ việc trên đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xử lý hình sự.
Ngày 16/11, nguồn tin riêng của Tiền Phong cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành thu thập hồ sơ tài liệu để làm rõ phi vụ mua bán lô đất vàng gần 5.000 m2 tại phường Thảo Điền (quận 2 cũ, nay là TP Thủ Đức).
Lô đất tọa lạc tại thửa số 151, 152, 236 tờ bản đồ số 2 do một hộ dân trực tiếp canh tác và đăng ký sử dụng theo Chỉ thị 299/TTg của Chính phủ từ trước năm 1991 sau đó chuyển nhượng lại cho hai cá nhân là bà Nguyễn Thị Xuân Hà (trú tại phường 5, quận 3) và bà Huỳnh Thị Thu Sương, (trú tại phường 5, quận 5). Bà Sương và bà Hà đã làm đơn xin cấp quyền sử dụng đất và đều được UBND xã An Phú, UBND huyện Thủ Đức chấp thuận, phê duyệt.
Bản đồ hiện trạng lô đất vàng gần 5000 m2 tại phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) |
Tháng 9/1992, ông Liên Khui Thìn - Giám đốc Công ty Epco đã ký hợp đồng sang nhượng lô đất trên với giá 1.852.000 đồng (tương đương 400 lượng vàng) và lập hồ sơ làm dự án xây dựng. Công ty đã thanh toán số tiền mua quyền sử dụng lô đất và tiến hành san lấp mặt bằng. Tuy nhiên thời điểm ấy, Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM cho rằng việc chuyển nhượng lô đất trên là sai và đề nghị công ty Epco xin ý kiến các cơ quan quản lý về quy hoạch, xây dựng của TPHCM.
Công ty Epco đã nộp hồ sơ xin cấp quyền sử dụng đất nhưng chưa được các cơ quan quản lý nhà nước hồi đáp thì vụ án Epco – Minh Phụng nổ ra. Do lô đất trên chưa hoàn thiện pháp lý nên là nhóm tài sản chưa đưa vào thế chấp.
Trong phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Liên Khui Thìn đã khai báo về khoản đầu tư này và được tòa án ghi nhận. Bản án hình sự phúc thẩm số 05/HSPT ngày 12/01/2000 của Toà án Nhân dân Tối cao tại TPHCM tuyên “Giao cho Công ty Epco thu hồi số tiền Liên Khui Thìn đầu tư trên các sở đất quận 2 và quận 9, TPHCM để trả nợ cho ICBV-HCMC (chưa đưa vào tài sản thế chấp)”.
Tại thời điểm ấy, đại diện pháp luật của công ty Epco là ông Huỳnh Tuấn Phúc (chủ tịch HĐQT) và ông Liên Khui Thìn (giám đốc) đều bị khởi tố, bắt giam và không ủy quyền điều hành, quản lý công ty cũng như thi hành bản án. Lợi dụng tình hình này, ông N.L.R, cán bộ công ty Epco đã hoàn thiện hồ sơ xin sử dụng đối với lô đất. Ngày 8/4/2003, ông R đã ký bản đồ hiện trạng lô đất để hoàn tất thủ tục pháp lý.
Căn cứ các công văn hướng dẫn của các bộ ngành đối với việc đăng ký tài sản trong vụ án Epco – Minh Phụng và Thông báo số 163/TB-VPCP ngày 9/10/2002 do Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký thì lô đất trên phải đấu giá để thi hành án.
Một phần hợp đồng mua bán giữa ông N.L.R và ông H.A.K. Lô đất vàng được bán với giá gần 2,7 tỷ đồng |
Tuy nhiên, ông N.L.R đã không thực hiện theo quy định mà chuyển hồ sơ đo vẽ xin sử dụng đất cho một cá nhân là ông H.A.K đứng tên. Đến ngày 4/10/2004, ông N.L.R đã hoàn tất việc chuyển nhượng lô đất trên cho ông H.A.K với giá gần 2,7 tỷ đồng.
Chưa đầy hai năm sau, ông H.A.K bán lô đất trên cho một doanh nghiệp với giá gần 30 tỷ đồng dù không đầu tư gì thêm vào lô đất.
Hành vi mua bán, chuyển nhượng có dấu hiệu trái pháp luật đối với lô đất nói trên đã được Ban Chỉ đạo thi hành phần tài sản vụ án Epco - Minh Phụng làm rõ, báo cáo và đích thân Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo xử lý.
Ông H.A.K bán lại cho một doanh nghiệp với giá gần 30 tỷ đồng (thu lợi gần 27 tỷ đồng) chỉ sau gần 2 năm mua trái phép lô đất thi hành án |
Cụ thể: Ngày 26/01/2007, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 538/VPCP-V1 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo đó, Thủ tướng đồng ý với báo cáo và kiến nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo thi hành phần tài sản vụ án Epco - Minh Phụng và yêu cầu chuyển hồ sơ tài liệu liên quan việc chuyển nhượng lô đất trên đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, các cá nhân và nhóm lợi ích liên quan đến hành vi mua bán trái pháp luật tài sản thi hành án trên vẫn chưa bị xử lý theo quy định của pháp luật.